Những trung tâm thương mại liệu có thể phát triển theo mô hình nào để có thể đảm bảo được sự tăng trưởng trong tương lai? Đây đang là câu hỏi được nhiều nước Trung Đông đang đặt ra.
Ở vùng đất sa mạc nắng nóng, trung tâm thương mại đóng một vai trò thiết yếu cho những sinh hoạt trong xã hội hiện đại tại đây. Nhưng quá nhiều trung tâm thương mại mọc lên lại đặt ra những sức ép cạnh tranh lớn, buộc các trung tâm thương mại phải không ngừng thay đổi mình, nếu không muốn bị đào thải.
Không ít các trung tâm thương mại tại Trung Đông giờ đây nổi tiếng thế giới với sự xa hoa nhưng điều đó vẫn không khiến họ yên lòng. Dù nổi tiếng là thế nhưng doanh số tại đây vẫn không thể vượt nổi các trung tâm thương mại của thế giới như London, Paris, Milan hay New York. Kèm với đó là sức ép cạnh tranh của các trung tâm thương mại mở ra hầu như mỗi tuần. Nó khiến cho không ít các trung tâm thương mại tại đây quyết tìm ra một hướng đi đột phá.
Những gì mà giới kinh doanh tại Trung Đông đang ấp ủ là viễn cảnh những trung tâm thương mại sẽ được công nghệ hóa tối đa. Ví như Motorola đã tạo ra một thiết bị mua sắm cá nhân, giúp khách hàng có thể quét tính tiền các sản phẩm ngay khi chọn chúng, giảm đáng kể thời gian thanh toán hay nhà bán lẻ mỹ phẩm Sephora cho đang thử nghiệm một chiếc gương thực tế ảo cho phép người mua sắm thử các phấn mắt hay son môi khác nhau mà không cần dùng đến da của họ.
Các nghiên cứu đang cho thấy, bất chấp sự tăng trưởng của thương mại điện tử, các trung tâm thương mại sẽ vẫn sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối trong lĩnh vực bán lẻ thời gian tới. Nó bắt nguồn từ 2 yếu tố. Thứ nhất là trung tâm thương mại giờ đây còn đang được tích hợp rất nhiều các dịch vụ vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng. Thứ hai, người tiêu dùng không thể từ bỏ nhu cầu được trực tiếp cảm nhận sản phẩm. Và điều mà các trung tâm thương mại có thể làm để hoàn thiện mình chính là cải thiện khả năng tương tác sản phẩm của khách hàng.
Theo Thời báo Khaleej (Dubai - Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất), mấu chốt ở đây xoay quanh một triết lý đơn giản là "dịch vụ mới là thứ quyết định sức mua, chứ không chỉ là sản phẩm". Điều mà con người có thể làm là khiến khách hàng hài lòng nhưng điều mà công nghệ có thể làm là khiến người tiêu dùng cảm thấy mua sắm như một trò chơi, biến nó trở thành một trải nghiệm khó quên.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy ít nhất 40% các doanh nghiệp sẽ bị đào thải trong 10 năm tới nếu không biết tái cơ cấu để áp dụng các công nghệ mới. Ngành bán lẻ được dự báo sẽ nằm trong nhóm phải cải thiện cấp bách nhất. Lẽ dĩ nhiên, điều mà các nhà bán lẻ hướng tới không chỉ là cải thiện chất lượng tương tác với sản phẩm của khách hàng.
Theo tờ Công báo (Saudi Arabia), việc áp dụng công nghệ tại các trung tâm thương mại sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp các dữ liệu tiết hơn về nhu cầu của khách hàng thông qua nhiều kênh và nền tảng thiết bị, giúp doanh nghiệp hiểu biết rõ hơn về thị hiếu của từng cá nhân, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp.
Với việc tích hợp các dịch vụ sinh hoạt cộng đồng khác, các trung tâm thương mại trong tương lai được dự báo sẽ giống như các thành phố thông minh hay thị trấn thông minh, tùy thuộc vào diện tích lớn hay nhỏ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!