Hôm 17/10, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật nâng trần nợ công, kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị gây ra tình trạng đóng cửa một phần Chính phủ liên bang và đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới tới bờ vực vỡ nợ.
Trước khi Chính phủ Mỹ đóng cửa, đã có nhiều dự báo cho rằng, mỗi một ngày đóng cửa, kinh tế Mỹ sẽ thiệt hại khoảng 300 triệu USD, nhưng hãng xếp hạng tín nhiệm Standard and Poors (S&P) lại cho biết, con số thiệt hại lại lớn hơn rất nhiều, ở mức 1,5 tỉ USD mỗi ngày.
‘ Quốc kỳ Mỹ tung bay bên ngoài Điện Capitol, nơi các nhà lập pháp lưỡng viện cuối cùng đã tìm được giải pháp nâng trần nợ công. Ảnh: AFP
Trong hơn hai tuần qua, cuộc sống của không ít người dân Mỹ đảo lộn vì Chính phủ đóng cửa. Gần 1 triệu công chức thất nghiệp, hàng loạt các điểm du lịch hút khách phải đóng cửa... và cái giá phải trả cho điều này không hề ít. Cơ quan đánh giá tín dụng lớn nhất nước Mỹ, S&P đã công bố Chính phủ Mỹ đóng cửa 16 ngày qua đã làm giảm 0,6% GDP nước này trong quý IV, tức là nền kinh tế Mỹ thiệt hại 24 tỉ USD, hay 1,5 tỉ USD/ngày. Mặc dù dự luật mới được thông qua đã giúp Chính phủ Mỹ thoát khỏi tình trạng đóng cửa và một vụ vỡ nợ lịch sử, song dự luật này mới chỉ thông qua một ngân sách tạm thời tới ngày 15/1/2014 và gia hạn quyền vay nợ của Mỹ tới ngày 7/2/2014.
Theo các nhà phân tích tại công ty tư vấn Macroeconomic Advisers, khi mở cửa trở lại, những tác động của việc đóng cửa Chính phủ trước đó sẽ chưa chấm dứt mà tiếp diễn trong dài hạn. Quan trọng hơn cả Washington vẫn chưa thể giải quyết được bất đồng lâu dài trong vấn đề nợ công và cuộc chiến này sẽ lại tiếp tục trong 4 tháng nữa.