Ảnh minh họa. (Ảnh: Dân trí)
Vào ngày 5/12, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố áp dụng mức thuế trừng phạt 265% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam do có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Trước kết luận này, Bộ Công Thương khẳng định, theo thông lệ, từ trước tới nay của quốc tế, cũng như của Hoa Kỳ, thép cán nóng qua xử lý để trở thành thép cán nguội sau đó tiếp tục xử lý để trở thành tôn mạ được coi là một sự chuyển đổi đáng kể. Vì vậy, tôn mạ được sản xuất tại Việt Nam dù sử dụng đầu vào là thép cán nóng của nước khác, vẫn được coi là sản phẩm của Việt Nam (có xuất xứ Việt Nam).
Hoa Kỳ đã đi ngược lại thông lệ của chính mình khi không coi chuyển đổi mô tả ở trên là quá trình "chuyển đổi đáng kể". Tôn mạ và thép cán nguội, nếu sử dụng đầu vào là thép cán nóng của Trung Quốc, sẽ được coi là tôn mạ và thép cán nguội Trung Quốc, phải chịu mức thuế AD và CVD rất cao.
Việt Nam khẳng định việc chuyển đổi từ thép cán nóng sang thép cán nguội và tôn mạ phải được coi là "sự chuyển đổi đáng kể" như Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã từng kết luận trước đây, và vì vậy không tồn tại hành vi lẩn tránh thuế như Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã cáo buộc.
Dự kiến, DOC sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào ngày 16/2/2018. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan, Hiệp hội Thép Việt Nam và các DN trong giai đoạn tiếp theo của vụ việc để bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của DN, phù hợp với quy định tại các hiệp định có liên quan của WTO.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!