Mỹ lại đối mặt với áp lực nâng mức trần nợ công

Phương Thảo-Thứ ba, ngày 04/02/2014 19:13 GMT+7

Chính phủ Mỹ lại một lần nữa đối mặt với áp lực phải nâng mức trần nợ công mới, nếu không muốn rơi vào nguy cơ vỡ nợ.

Ngày 3/2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã hối thúc Quốc hội nước này phải nhanh chóng nâng mức trần nợ trước thời điểm Chính phủ mất quyền vay mượn vào ngày 7/2 tới.

Phát biểu tại một cuộc họp của Trung tâm chính sách lưỡng đảng tại Quốc hội ngày 3/2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cảnh báo Quốc hội cần phải hành động ngay để gia hạn khả năng vay mượn của quốc gia.

Ông Jack Lew, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết: “Nếu không còn quyền vay mượn, Chính phủ liên bang sẽ không thể thực hiện tất cả các nghĩa vụ của mình”.

Ông Jack Lew nhấn mạnh, đến ngày 7/2/2014, nếu Quốc hội không nâng mức trần nợ thì Bộ Tài chính sẽ phải thực hiện các "biện pháp đặc biệt" để tránh khả năng nước Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ lần đầu tiên. Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành tài chính Mỹ, các "biện pháp đặc biệt" chỉ có thể duy trì hoạt động cho Chính phủ đến cuối tháng 2/2014.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng, việc trì hoãn nâng mức trần nợ của Quốc hội chỉ làm rối loạn nền kinh tế, gây bất ổn thị trường tài chính và ảnh hưởng trực tiếp đến người nộp thuế.

Trước đó, ngày 17/10/2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký ban hành dự luật chi tiêu ngân sách, chấm dứt tình trạng đóng cửa kéo dài hơn 2 tuần của Chính phủ liên bang. Vào thời điểm đó, Quốc hội Mỹ đã nhất trí không bàn đến vấn đề nợ công và để lại vấn đề này đến ngày 7/2/2014.

Mức trần nợ là tổng số tiền mà Quốc hội cho phép Chính phủ liên bang vay mượn để chi trả các khoản tiền an sinh xã hội, trợ cấp y tế, trả lương cho quân nhân, hoàn thuế và các khoản chi trả khác. Vì vậy, việc Quốc hội không nâng trần nợ có thể sẽ đẩy Chính phủ vào cảnh vỡ nợ vì không còn tiền mặt hoạt động, dẫn đến tình trạng rối loạn tài chính, thậm chí rơi vào vòng suy thoái kinh tế mới.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước