Vòng đàm phán này diễn ra ở cấp Thứ trưởng, thấp hơn so với thường lệ, nhằm tìm lại đà cho khả năng đối thoại ở cấp cao hơn.
Đến Washington D.C lần này, phái đoàn của Trung Quốc có khoảng 30 thành viên do Thứ trưởng Bộ Tài chính Liêu Mân dẫn đầu tiến hành đàm phán với Phó Đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish. Hai ngày đàm phán được cho là tập trung vào các chủ đề nông sản, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Trong đó, nông sản là nội dung khả dĩ nhất hai bên có thể thương thuyết trong vòng đàm phán ở cấp này.
Ông Zack Cooper - Viện Doanh nhân Mỹ cho hay: "Giờ họ sẽ bàn về việc Trung Quốc có thể mua bao nhiêu nông sản hay khí đốt của Mỹ là đủ để Tổng thống Donald Trump dỡ bỏ một số biểu thuế. Như vậy thay vì đàm phán về một thoả thuận lớn cách đây 4 - 5 tháng trước nay họ bàn về một thoả thuận rất hẹp, tập trung vào thu hẹp thâm hụt thương mại".
Thu hẹp bớt chênh lệch trong việc trao đổi thương mại có lẽ là giải pháp tình thế Mỹ và Trung Quốc đều cần và tạm chấp nhận được trong giai đoạn hiện nay. Trung Quốc chắc chắn không muốn hàng rào thuế ngày một chồng chất. Trong khi Mỹ cũng đã chớm dấu hiệu suy thoái và rất cần một nền kinh tế vững chãi trước khi bước vào kỳ bầu cử. Nhưng đây cũng chỉ là liều "giảm đau" tạm thời, khó có thể hoá giải những xung khắc trong quan hệ thương mại song phương.
Ông Zack Cooper cho hay: "Không phải cứ đàm phán nghĩa là có kết quả thực chất. Chúng ta đã thấy rất nhiều vòng đàm phán nhưng họ chưa đạt được tiến triển đáng kể. Tôi cho rằng tình huống tốt nhất có thể là chúng ta sẽ có một cuộc thương chiến có giới hạn, chứ nó sẽ không sớm chấm dứt".
Kết thúc vòng đàm phán này, một số thành viên trong phái đoàn của Trung Quốc sẽ tiếp tục thăm các nông trại Mỹ trong tuần tới - một cử chỉ thiện chí của phía Trung Quốc, nhằm góp phần tạo thêm đà cho vòng đối thoại sắp tới. Dự kiến hai bên sẽ gặp lại vào đầu tháng 10.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!