2 tuần trước, báo chí quốc tế còn nhắc nhiều tới cụm từ "Quà Giáng sinh sớm" mà người tiêu dùng Mỹ được nhận sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố hoãn tăng thuế đối với nhiều mặt hàng trong gói 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Thế nhưng, tuần qua, người tiêu dùng Mỹ đã phải lo sợ là sẽ "Không còn món quà nào" dành cho họ trong mùa nghỉ lễ sắp tới khi chính ông Trump tuyên bố tăng thuế đối với toàn bộ số hàng hóa mà Trung Quốc bán trên đất Mỹ.
Theo tính toán của Ngân hàng lớn nhất Mỹ JP Morgan, ví tiền của mỗi hộ gia đình xứ cờ hoa có thể sẽ mất 1.000 USD/năm do các mức thuế mới. Đây là điều các cử tri Mỹ sẽ không hài lòng trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào năm sau.
Còn ở phía bên kia của mối quan hệ thương mại, Trung Quốc cũng đang hứng chịu nhiều tác động. Cả "thủ phủ" dệt may của Trung Quốc lâm nguy, hàng loạt nhà máy đứng trước nguy cơ đóng cửa khi thương chiến chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trung Quốc từng xuất khẩu hàng trăm triệu chiếc áo sang Mỹ mỗi năm. Số tiền thu về đủ để thâu tóm hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ. Nói cách khác, các doanh nghiệp may mặc với nhân công giá rẻ từng là lợi thế cạnh tranh hàng đầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, mô hình này đang vấp phải khó khăn dồn dập đến từ các đe dọa áp thuế từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hodo Group là tập đoàn may mặc hàng đầu của Trung Quốc. Từng được xếp trong danh sách 500 doanh nghiệp đứng đầu nước này, nhưng giờ đây, mỗi ngày thức dậy, Ban Giám đốc của tập đoàn này lại đứng trước mối lo sợ nguy cơ mới sẽ ập đến từ những dòng Tweet áp thuế của Tổng thống Trump.
Ngoài ra, có hơn 500 công ty dệt tại "thủ phủ" dệt may Tô Châu, Trung Quốc rơi vào tình cảnh ế ẩm, thiếu đơn đặt hàng và phải cho nhân viên "nghỉ lễ" 1 tháng. Theo báo Bưu điện Hoa nam buổi sáng, thông báo của nhiều công ty còn cho biết "kỳ nghỉ" thậm chí có thể còn kéo dài lâu hơn. Nguyên nhân do vải dệt nằm trong danh mục 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế 10% từ tháng 09/2018 và 25% từ tháng 5/2019.
Những tưởng đòn thuế quan "ăn miếng trả miếng" khiến cho đối phương chùn bước, nhưng dường như chính những người trong cuộc là Trung Quốc và Mỹ lại đang phải hứng chịu những tác động lớn nhất. Trung Quốc đã từng quay sang dựa vào sự ủng hộ của người dân nước mình và sức mua của họ để biến thành công cụ trả đũa Mỹ trên ván cờ ngoại giao.
Mới đây, trên mạng xã hội Trung Quốc, rất nhiều blogger đã kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay các sản phẩm của Mỹ như Nike thay bằng Adidas của Đức, thay Converse bằng đồ hiệu Trung Quốc, hay thay Apple bằng các thương hiệu điện thoại thông minh nội địa như Huawei… Nhiều chuyên gia đã từng nhận định rằng, người tiêu dùng Trung Quốc có thể quay lưng với hàng hóa Mỹ, tuy nhiên, trong sự kiện tập đoàn bán lẻ Cótco của Mỹ mở cửa hàng tại Trung Quốc lại cho thấy một cái nhìn khác.
Ngày đầu mở hàng nhưng Costco phải đóng cửa sớm chỉ sau 5 tiếng vì đám đông quá tải. Sang ngày thứ hai, siêu thị buộc phải hạn chế số lượng khách hàng. Việc người dân Trung Quốc bất chấp giá tăng do thuế quan vẫn nườm nượp kéo đến mua đồ tại Costco cho thấy họ vẫn rất chuộng hàng hóa Mỹ.
Trước đó, Costco đã bán hàng trên nền tảng trực tuyến Alibaba. Doanh thu chỉ trong 1 ngày mua sắm Độc thân tại Trung Quốc lên tới 3,5 triệu USD vào năm 2014. Những mặt hàng đậm chất Mỹ như vali Samsonite, giày Clarks hay nước sốt Tabasco đã trở nên quá quen thuộc với người tiêu dùng Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng là thị trường quan trọng trong hoạt động kinh doanh nước ngoài vốn chiếm gần 40% thu nhập của Costco. Công ty còn lên kế hoạch mở thêm siêu thị thứ hai tại đây nếu nhu cầu của thị trường Trung Quốc với hàng nhập khẩu vẫn cao như hiện nay.
Không chỉ Costco, hãng xe điện Tesla cũng chọn Trung Quốc để xây dựng nhà máy đầu tiên bên ngoài nước Mỹ, trị giá 5 tỷ USD. Hay công ty công nghệ sinh học Thermo Fisher tuyên bố mở một cơ sở sản xuất mới tại Tô Châu, Trung Quốc. Như vậy, bất chấp tình hình leo thang của thương chiến Mỹ-Trung, các công ty Mỹ vẫn không thể bỏ qua tiềm năng lớn của thị trường Trung Quốc.
Có thể thấy, rất nhiều tập đoàn lớn nhỏ đã nhìn thấy tiềm năng không thể bỏ qua của thị trường tỷ dân này. Thế nên việc hạn chế hợp tác giữa 2 nước đã khó chứ chưa nói đến việc "đường ai nấy đi" như lời Tổng thống Trump kêu gọi, có khi không còn nằm trong từ điển của những doanh nghiệp Mỹ.
Ông Max Baucus, Cựu Thượng nghị sĩ bang Montana, Mỹ cho rằng: "Mỹ và Trung Quốc đều cần nhau. Có thể có những trục trặc tạm thời hay những đợt sóng gió nhưng cơ bản về lâu về dài thì Mỹ và Trung Quốc kết hợp với nhau để phát triển kinh tế".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!