Mọi năm vào thời gian này, các trang trại trồng nho làm rượu ở Pháp mới rục rịch chuẩn bị thu hoạch. Thế nhưng năm nay, nhiều nhà đã cắt nho xong.
Năm nay, nước Pháp có một vụ nho bội thu cả về số lượng và chất lượng. Tờ Tây Pháp viết rằng: "Mùa Xuân ấm áp và mùa Hè nhiều nắng sau một mùa Đông mưa nhiều đã tạo ra điều kiện lý tưởng cho ruộng nho".
Chủ một trang trại nói với phóng viên tờ báo rằng ngay tới lúc thu hoạch thời tiết cũng thuận lợi. Mọi chỉ số đều cho thấy đây là một mùa nho có chất lượng cao.
Tuy nhiên, được mùa lớn mà không thể vui, vì tiêu thụ rượu champagne trên thị trường thế giới đang ở mức cực kỳ thấp. Tờ Le Figaro dành cả trang báo to cho bài: "2020 là năm kinh hoàng đối với rượu champagne".
Năm nay được mùa nho nhưng nông dân Pháp không thể vui (Ảnh: Reuters)
Dịch COVID-19 với hàng loạt các biện pháp phong toả, buộc nhà hàng, quán bar phải đóng cửa, đã kéo doanh số rượu đi xuống. Nửa năm qua, các nước đều cấm lễ hội đông người, huỷ bỏ hoạt động thể thao văn hoá, hạn chế tụ tập ăn uống… Các siêu thị cũng không bán được nhiều champagne.
Trong giai đoạn phong toả, siêu thị có bán được nhiều rượu hơn, nhưng rượu vang rượu mạnh là chính, ít ai mua champagne về nhà uống một mình.
Bài báo viết: "Doanh số bán rượu champagne có thể giảm tới 34% trong cả năm nay, các trang trại khó mà bán được rượu cho các nhà buôn".
Dĩ nhiên là rượu có thể để được nhiều năm. Nhưng số rượu hiện có không bán được mấy, cho nên không còn chỗ để cất trữ đợt rượu sắp tới. Giờ phải có thêm kho chứa cho khoảng 300 triệu chai champagne của vụ nho năm nay. Nhiều nơi phải tăng chi thuê kho chứa, trong khi vẫn giảm thu do không bán được rượu.
Nước Pháp giảm sản lượng rượu champagne vì dịch COVID-19. (Ảnh minh họa - wsj.com)
Tờ Le Soir viết rằng: "Sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, Hội đồng các nhà sản xuất champagne Pháp đã quyết định là mỗi trang trại chỉ được bán tối đa 8 tấn nho cho mỗi ha ruộng, số nho vượt quá phải phá hỏng, cho thối luôn tại ruộng".
Biện pháp này nhằm kéo sản lượng xuống chỉ còn 230 triệu chai champagne, tức giảm 20% so với năm ngoái. Tính ra, người trồng nho mất khoảng 30% thu nhập.
Đau đớn nhưng buộc phải chấp nhận vì lợi ích dài hạn. Bởi vì như bài báo viết nếu sản lượng vượt quá xa lượng rượu có thể bán được, hậu quả sẽ nghiêm trọng, nhiều trang trại có thể phá sản, kéo theo những hệ quả tai hại về việc làm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!