Điều này xảy ra đúng vào thời điểm các nước đẩy mạnh tốc độ hồi phục kinh tế sau thời gian dài đóng cửa do dịch COVID-19.
Dù mùa đông lạnh giá đã qua đi, người dân Đức vẫn tích trữ củi để sưởi ấm. "Số củi này dành cho mùa đông năm sau. Mùa đông năm nay đã trôi qua, nhưng do hoàn cảnh, do xung đột ở Ukraine, tôi vẫn phải phòng xa khi khí đốt bị ngắt đột ngột hoặc bị thiếu hụt năng lượng", bà Susanne Gasden, người dân Đức, chia sẻ.
Đây là tâm lý chung của nhiều người sau khi Đức kích hoạt kế hoạch khẩn cấp về khí đốt do lo ngại nguồn cung sẽ bị gián đoạn nếu các nước phương Tây từ chối thanh toán hợp đồng khí đốt với Nga bằng đồng Ruble.
Giá điện tiêu dùng và các loại nhiên liệu hóa thạch tại Đức cũng cao hơn tới 40% so với mức trung bình trước dịch COVID-19, khiến một nửa số đô thị gặp khó khăn. Năng lượng khan hiếm và đắt đỏ, tình trạng này đang xảy ra không chỉ ở Đức, mà còn trên khắp các châu lục.
Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 ở vùng Leningrad, Nga. (Ảnh: TASS)
"Chúng ta đang ở giữa cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Trong những năm 70, đó là cuộc khủng hoảng dầu mỏ, còn bây giờ là khủng hoảng dầu mỏ, khủng hoảng khí đốt tự nhiên và than đá. An ninh năng lượng đang là ưu tiên của nhiều chính phủ, nếu không muốn nói là tất cả", ông Fatih Birol, Giám đốc Điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đánh giá.
Nhiều yếu tố dẫn đến cuộc khủng hoảng này. Sau thời gian đình trệ do các lệnh phong tỏa phòng dịch COVID-19, nguồn cung dầu mỏ, khí đốt, than đá vốn đã không bắt kịp đà hồi phục kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, nhiều nước lại quyết định thu hẹp đầu tư cho nhiên liệu truyền thống nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon, khi nhiên liệu tái tạo chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine gần đây càng khiến cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên trầm trọng hơn.
Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới và là nước xuất khẩu dầu thô thứ hai thế giới, sau Saudi Arabia.
Ngân hàng JPMorgan ước tính nếu đối đầu Nga - phương Tây và các biện pháp trừng phạt lẫn nhau còn tiếp diễn, 66% lượng dầu của Nga sẽ gặp khó khăn trong việc tìm người mua và giá dầu thô có thể đạt 185 USD vào cuối năm nay. Trong khi mức giá hiện nay đã là một thách thức lớn.
"Giá dầu ở mức 110 USD/thùng đang đặt ra thách thức đối với toàn thế giới. Các nền kinh tế hàng đầu thế giới đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 50 năm qua. Mức sống ở một số quốc gia bị sụt giảm nghiêm trọng nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2", ông Hardeep Singh Pur, Bộ trưởng Dầu khí và Khí đốt tự nhiên của Ấn Độ, nhận định.
Tuy nhiên mọi thứ không chỉ dừng lại ở đó.
"Một trong những lý do khiến giá năng lượng cao như vậy và an ninh năng lượng tại các quốc gia đang phát triển bị đe dọa đó là do làn sóng nhiệt, hậu quả của biến đổi khí hậu", ông Fatih Birol, Giám đốc Điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhấn mạnh.
Mùa hè tới được dự báo sẽ nóng như chảo lửa. Phần lớn Bắc bán cầu sẽ dùng điện ở mức rất cao, đặc biệt là tại Nam Á và Đông Nam Á do thói quen sử dụng điều hòa. Hậu quả là lưới điện quá tải và nhiều nơi bị mất điện.
Mất điện, giá năng lượng đầu vào cao sẽ ảnh hưởng đến sản xuất. Giá năng lượng tăng cũng khiến chi phí sinh hoạt tăng, dẫn tới chi tiêu sụt giảm. Đây sẽ là cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!