Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) cao trong khu vực ASEAN với mức bình quân 5,7%/năm. Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp so với các nước, chỉ bằng 7,3% Singapore, 19% của Malaysia và 37% của Thái Lan. Có phải người lao động Việt Nam không khéo léo, không chăm chỉ bằng các quốc gia khác hay không và làm thế nào để rút ngắn khoảng cách chênh lệch với các nước. Đây là vấn đề được đặt ra tại hội thảo Cải thiện năng suất lao động quốc gia. Hội thảo có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Thừa nhận năng suất lao động chung của Việt Nam đang thấp hơn một số quốc gia khi xét theo quy mô GDP tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, điều đó không có nghĩa là tay nghề lao động Việt Nam thấp. Bởi nếu so sánh năng suất lao động trên cùng một công đoạn thì không thấp nhưng vì nhiều ngành hàng như điện tử, dệt may, Việt Nam chủ yếu làm gia công, lắp ráp nên không tạo ra nhiều giá trị gia tăng.
Lĩnh vực đang có năng suất lao động thấp nhất trong nền kinh tế là nông lâm nghiệp và thủy sản. Khu vực này đang chiếm tới 40% lao động, phần lớn là các công việc giản đơn, thời vụ nên giá trị gia tăng thấp.
Ghi nhận những nỗ lực tăng năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua nhưng để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia trong khu vực, Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh giáo dục, đào tạo chuyên môn cho lao động, đồng thời phải đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để cải thiện năng suất lao động.
Tại hội thảo, Tổng cục Thống kê cũng đề xuất cần thành lập Ủy ban Năng suất lao động Quốc gia để xác định một chiến lược lâu dài, tổng thể. Bởi nếu tăng năng suất lao động sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!