Tính đến tháng 6/2013, tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam hơn 218 tỷ USD, trong đó có tới 33 tỷ USD đến từ Nhật Bản. Vốn đầu tư từ Nhật Bản vẫn đang là một trong những nguồn vốn quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam.
Đối mặt với sự cạnh tranh các nước mới nổi trong khu vực châu Á, giải pháp thu hút đầu tư chú trọng về chất thay vì về lượng như trước kia đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, bên cạnh đó, "nói không với những dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường" cũng là thông điệp rõ ràng của Việt Nam trong chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Việt Nam đang bị cạnh tranh bởi các nước trong khu vực, vì vậy cần có sự cải tiến, điều chỉnh cơ chế chính sách theo hướng phát triển bền vững. Những dự án về BĐS giảm xuống thay vào đó là tập trung dự án chế biến, chế tạo. Việt Nam đã siết chặt vấn đề ô nhiễm môi trường nên những dự án tiềm ẩn về ô nhiễm giảm hẳn đi”.
‘ Ảnh minh họa
Dù là thông điệp như vậy, nhưng cho tới giờ vẫn chưa có một cơ chế nào khuyến khích các doanh nghiệp chú trọng đầu tư với bảo vệ môi trường.
Ajinomoto Việt Nam là một trong những công ty đầu tiên của Nhật Bản đầu tư FDI vào Việt Nam cách đây gần 20 năm trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, bỏ ra hơn 10 triệu USD để đầu tư cho hệ thống công nghệ xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường.
Số tiền đầu tư không hề nhỏ nhưng với cơ chế như hiện nay, doanh nghiệp này cũng như bao doanh nghiệp khác lại không hề được hưởng một ưu đãi nào, khiến họ không khỏi băn khoăn khi tính đến chuyện có nên tiếp tục đầu tư các dự án khác trong thời gian tới. Vì vậy, giữ chân những nhà đầu tư luôn hướng tới sự bền vững của môi trường là trách nhiệm của các đơn vị quản lý tại Việt Nam.
Ông Hiroharu Motohashi, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM, Tổng Giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam cho biết: “Hiện nay có nhiều vướng mắc và khó khăn trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam như chính sách thuế về bảo vệ môi trường, thuế xuất nhập khẩu, ưu đãi thuế suất đầu tư tại các khu chế xuất, vấn đề lao động tiền lương, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu…khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang cân nhắc kế hoạch có nên tiếp tục đầu tư vào Việt Nam hay các nước trong khu vực”.
Nếu những nút thắt đó nhanh chóng được tháo gỡ thì việc giữ chân các doanh nghiệp FDI trung thành lâu nay của Việt Nam không phải là khó, hơn nữa, từ uy tín đó sẽ tạo ra được sức lan tỏa cao thu hút các doanh nghiệp nước ngoài khác đầu tư vào Việt Nam.
Việt Nam đã và đang nỗ lực cao nhất để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài, tất nhiên, không phải là thu hút bằng mọi giá.