Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. (Nguồn: AFP)
Trong bối cảnh giá dầu thế giới suy giảm làm thâm hụt ngân sách, Chính phủ Nga đã phải cắt giảm chi tiêu công, thậm chí điều chỉnh dự báo kinh tế vĩ mô 2016.
Chính phủ Nga đã lên phương án hỗ trợ các ngành kinh tế chủ chốt đang gặp khó khăn như nông nghiệp, chế tạo ô tô, xây dựng và công nghiệp nhẹ. Nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng của Nga đã suy giảm 3,7% trong năm 2015 do giá dầu thấp kỷ lục và các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine.
“Cơ cấu lại mô hình phát triển kinh tế sẽ bao gồm việc cải thiện môi trường kinh doanh và pháp lý, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thay thế nhập khẩu, xuất khẩu các sản phẩm phi dầu mỏ. Nga đã có thể giảm thiểu tác động từ các cú sốc bên ngoài ở mức độ nào đó, phần nào nhờ kế hoạch chống khủng hoảng” - Thủ tướng Nga D.Medvedev nói.
Kế hoạch chống khủng hoảng ở Nga được cho là đã hoàn thiện vào giữa tháng 2 vừa qua, nhưng buộc phải kéo dài sau báo cáo của Bộ Tài chính Nga. Theo đó, Chính phủ Nga cần 250 tỷ Ruble (khoảng 3,3 tỷ USD) để thực hiện kế hoạch này, trong khi quỹ chống khủng hoảng chỉ còn lại 120 tỷ Ruble (chưa đến ½).
“Chính phủ Nga cần tới 250 tỷ Ruble để thực hiện kế hoạch chống khủng hoảng. Để có số tiền này, chúng tôi phải đề xuất Tổng thống cho phép sử dụng một phần vốn dự trữ - khoảng 130 tỷ Ruble” - ông Anton Siluanov, Bộ Tài chính LB Nga cho biết.
Trước đó, Bộ Phát triển Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cho biết, kế hoạch hồi sinh nền kinh tế đất nước sẽ cần tới khoảng 880 tỷ Ruble (gần 12 tỷ USD), trong đó trọng tâm là việc đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính sau khi giá dầu mỏ lao dốc và đồng Ruble mất giá ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế Nga.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!