Theo báo cáo tài chính quý II/2020 mà các ngân hàng công bố, đã có 3 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vượt ngưỡng 3%, cá biệt, ngân hàng Kiên Long đã lên đến gần 6,6%.
Đã có 3 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt mức 3%.
Không chỉ nợ xấu tăng, thậm chí nợ dưới chuẩn, nợ nghi ngờ cũng tăng hàng chục phần trăm. Các ngân hàng lớn như VietcomBank, VietinBank mức tăng từ 58% đến 250%. Còn các ngân hàng cổ phần như ACB, SacomBank, OCB…nợ dưới chuẩn, nợ nghi ngờ cũng tăng từ 21% đến 190%.
Trước tình hình trên, các ngân hàng đều đang tìm mọi cách để kiểm soát lạm phát, từ việc phát mãi tài sản cho đến cơ cấu lại nợ. Dù là giải pháp tức thời, trong ngắn hạn nhưng Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn đang phát huy tác dụng.
"Phần nào đấy Ngân hàng Nhà nước đã có những chủ trương chính sách để giãn, hoãn, kéo dài thời gian các khoản vay hiện hữu. Từ đó giúp việc kiểm soát tốt hơn nợ xấu từ các ngân hàng", ông Đặng Công Hoàn, Phó PGK phụ trách Khối ngân hàng bán lẻ, Techcombank cho hay.
Dù ngân hàng Nhà nước cho phép không nhảy nhóm nợ, nhưng không ít ngân hàng đã chủ động cân đối để phòng xa và thận trọng hơn trong việc giải ngân. Như Vietcombank đã phải điều chỉnh tỷ lệ nợ xấu/ dư nợ năm 2020 từ 0,75% lên dưới 1%.
"Các khoản dự thu, dự chi hoặc phân loại nợ, chuyển nhóm nợ chưa thực hiện nhưng Vietcombank chúng tôi thận trọng, chúng tôi vừa cơ cấu lại, nhưng nếu thấy cần thiết vẫn phải chuyển nhóm nợ và đương nhiên kéo tỷ lệ nợ xấu tương ứng", ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết.
Các ngân hàng đang tìm cách để kiểm soát lạm phát, từ phát mại tài sản cho đến cơ cấu lại nợ, thậm chí, giải pháp cân đối, đánh đổi cả lợi nhuận năm 2020 cũng được tính đến. Ảnh minh hoạ: Dân Trí.
Thận trọng và tăng trích lập dự phòng nhưng báo cáo bán niên 2020 của các ngân hàng vẫn cho thấy các con số lãi nghìn tỷ, theo công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đây là kết quả của sự tích luỹ.
Theo các chuyên gia, hiện nay nợ xấu nội bảng của ngân hàng ở khoảng 2%, tuy nhiên đến cuối năm và giữa năm tới sẽ lên đến khoảng 3,5 - 4%. Nợ xấu gộp có thể lên đến khoảng 6% vào năm 2021. Để kiểm soát nợ xấu, ngân hàng cần phải cân đối bài toàn lợi nhuận.
"Quý III, rồi Quý IV thậm chí cả 2021 hoạt động của hệ thống ngân hành còn rất nhiều khó khăn, chúng tôi dự báo năm nay, lợi nhuận của hệ thống của ngân hàng sẽ giảm 20-25%", ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định.
Không chỉ nợ xấu, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ của các ngân hàng đều đã có mức tăng 2 con số. Do có thể phải đánh đổi giữa lợi nhuận và kiểm soát nợ xấu, các ngân hàng đều rất thận trọng trong việc giải ngân khiến tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn ngành mới đạt khoảng 4%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!