Ngành da giày, túi xách Việt Nam đặt mục năm nay tiêu tăng trưởng 10% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, việc chủ động nguồn cung, nâng tỷ lệ nội địa hoá nguyên phụ liệu lên trên 70%, giúp giảm chi phí sản xuất được nhiều doanh nghiệp triển khai.
Hiện Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu sản phẩm giày dép. Tuy nhiên, ngành da giày vẫn đang nhập khẩu nguyên liệu tới 50 - 60% nhu cầu. Vì vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 10 - 15% mỗi năm thì nút thắt lớn nhất của toàn ngành về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cần sớm được tháo gỡ.
Ông Phan Tấn Đạt - Giám đốc Trung tâm Phát triển sản phẩm giày Decathlon cho biết: "Trong khâu cung ứng nguyên vật liệu, nếu như chủ động sẽ có sức cạnh tranh với các đối tác và chủ động được khâu sản xuất, cũng như tăng được từ 150 đến 200% lợi ích so với việc mình phải phụ thuộc vào chuỗi cung ứng".
Hiện Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu sản phẩm giày dép.
"Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ sẽ phát triển được hệ thống các trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu hiện nay đang cực kỳ thiếu vắng ở Việt Nam. Chúng ta cần thiết lập những trung tâm như vậy, vừa để giúp cho các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu và cũng giúp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như tận dụng được các lợi thế của các FTA", bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam bày tỏ.
Một nội dung quan trọng nhất trong 17 Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia là cam kết giảm thuế cho những sản phẩm hàng hóa nhập khẩu, trong đó có giày dép. Do vậy, việc nâng tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu, chủ động trong chuỗi cung ứng, được kỳ vọng là giải pháp để các doanh nghiệp da giày trong nước tận dụng được các lợi thế để phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!