Chị Christina - một viên chức tại thủ đô Lisbon, giờ đã quen với việc đi làm và đi đến các nơi bằng chiếc xe đạp của mình. Bỏ ra 800 Euro cho chiếc xe hồi tháng 4, giờ chị cho rằng đây là một khoản chi hoàn toàn xứng đáng.
"Từ sau đợt đóng cửa, tôi bắt đầu tìm giải pháp thay thế cho việc đi làm bằng phương tiện công cộng để tránh lây lan dịch. Đi bộ mất nhiều thời gian và tôi không muốn sử dụng ô tô cá nhân. Một chiếc xe đạp như thế này đúng là giải pháp hoàn hảo", chị Cristina Latoeira nói.
Bồ Đào Nha được xem là thủ phủ của ngành xe đạp châu Âu.
Với các hãng xe như công ty RTE, bất chấp những khó khăn ban đầu, bài toán lúc này là đảm bảo đáp ứng được đơn hàng từ khắp nơi bay về.
Ông Bruno Salgado - thành viên Ban Giám đốc hãng xe đạp RTE Bikes nói: "Từ khi mở lại dây chuyền vào tháng 4, chúng tôi đã khám phá ra nhu cầu tăng chóng mặt trên các trang trực tuyến. Hiện chúng tôi đang chạy hết công suất, khoảng 5.000 chiếc/ngày, so với bình thường chỉ khoảng 3.000 - 4.000".
Một đơn vị khác cũng chứng kiến số đơn đặt hàng hiện có cho năm sau đã gấp đôi cả năm 2019, không chỉ tại Bồ Đào Nha mà còn cho xuất khẩu, bởi thị trường châu Âu hiện chiếm tới 90% sản lượng xe đạp của nước này.
Công nhân tại nhà máy sản xuất xe đạp. Ảnh: Reuters.
"Hiện chúng tôi đang xuất khẩu đi khắp thế giới. Ngay cả những nước vốn mạnh về sản xuất xe đạp như Italy hay các nước Đông Âu, nhiều nhà phân phối cũng liên hệ với chúng tôi để đặt hàng chế tạo xe cho họ", ông Joao Maia - Giám đốc công ty xe đạp In Cycles nói.
Từ trước dịch bệnh, Bồ Đào Nha được xem là thủ phủ của ngành xe đạp châu Âu, với sản lượng hơn 2,7 triệu chiếc hồi năm 2019. Tuy nhiên, nhu cầu bật tăng trong giai đoàn này vẫn là cú hích đáng kể, đặc biệt khi nhiều hoạt động kinh tế khác đang chịu ảnh hưởng từ làn sóng dịch mới quay trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!