Nghị định 132 chống chuyển giá: 8.000 doanh nghiệp nội và ngoại tiếp tục vào vòng "siết" chặt

Khánh Huyền-Thứ hai, ngày 09/11/2020 20:08 GMT+7

VTV.vn - Chiều nay (9/11), Tổng cục Thuế đã tổ chức họp báo công bố những điểm mới của Nghị định 132 mới được ban hành.

Ngày 5/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/NĐ-CP, về các quy định mới về giao dịch liên kết tại Việt Nam. Nghị định 132 sẽ thay thế Nghị định 20 về giá giao dịch liên kết ban hành vào năm 2017. Chiều nay (9/11), Tổng cục thuế đã tổ chức họp báo công bố những điểm mới của Nghị định 132.

Những điểm mới của Nghị định 132

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho biết Nghị định 132 bao gồm 4 Chương, 23 điều, có hiệu lực từ ngày 20/12/2020 và áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2020 trở đi. Nghị định 132 sẽ không có thông tư hướng dẫn như Nghị định 20. Nghị định 132 kế thừa những nội dung đã được quy định tại Nghị định số 20, sửa đổi và bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc sửa đổi một số điều để đảm bảo rõ ràng, minh bạch. Nghị định này cũng kế thừa quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Quy định về khống chế chi phí lãi vay lần đầu được áp dụng tại Việt Nam, không tránh khỏi những khó khăn trong quá trình triển khai mà nguyên nhân chính do doanh nghiệp Việt Nam có vốn mỏng, chủ yếu là vốn vay, vốn chủ sở hữu thấp. Vì vậy, ngày 24/6/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, đã nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%; cho phép khống chế chi phí lãi vay sau khi đã trừ lãi tiền gửi, tiền vay và mở rộng đối tượng được miễn áp dụng quy định khống chế.

Nghị định 132 chống chuyển giá: 8.000 doanh nghiệp nội và ngoại tiếp tục vào vòng siết chặt - Ảnh 1.

Nghị định 132 có nhiều đổi mới so với nghị định 20 trước đây.

Về hiệu lực thi hành, quy định tại Nghị định 68/2020/NĐ-CP được áp dụng ngay trong kỳ tính thuế năm 2019. Quy định về khống chế lãi vay được trừ theo Nghị định 68 đã cơ bản khắc phục những nhược điểm của Nghị định 20. Quy định hồi tố năm 2017, 2018 đối với nội dung nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30% đồng thời cho bù trừ với lãi tiền gửi, tiền cho vay dự kiến số thuế phải hoàn hoặc khấu trừ khoảng 4.785 tỷ đồng.

Ngoài ra, Nghị định 132 cũng mở rộng đối tượng loại trừ áp dụng quy định giới hạn chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanhn nghiệp (TNDN). Trong khi Nghị định số 20, đối tượng loại trừ áp dụng quy định giới hạn chi phí lãi vay chỉ có tổ chức tín dụng và tổ chức kinh doanh bảo hiểm thì Nghị định 132/2020/NĐ-CP mở rộng thêm đối tượng loại trừ đó là các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác).

Nghị định 20 trước đây quy định người nộp thuế (NNT) tại Việt Nam có công ty mẹ tối cao tại nước ngoài có nghĩa vụ lưu trữ và cung cấp cho cơ quan thuế báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ tối cao và cùng thời điểm nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN. Nghị định 132 quy định mới theo thông lệ quốc tế đảm bảo phù hợp với cam kết khi tham gia diễn đàn BEPS là báo cáo lợi nhuận liên quốc gia nhận được qua hình thức trao đổi thông tin tự động nếu nhà chức trách có thẩm quyền của 2 nước có ký thoả thuận. NNT chỉ phải cung cấp cho cơ quan thuế, trong trường hợp nhà chức trách có thẩm quyền của 2 nước không ký thoả thuận.

Doanh nghiệp nội và ngoại như nhau

Trong buổi họp báo, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi rằng Nghị định 20 mục đích là chống chuyển giá, tức là chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, áp dụng cho các giao dịch liên kết. Nhưng nhiều công ty mẹ - con ở Việt Nam không phải là đối tượng của chống chuyển giá, vì nhiều công ty mẹ-con có mức thuế suất bằng nhau, không có động cơ chuyển giá. Song vẫn bị ảnh hưởng bởi khoản 3 điều 8 của NĐ 20 ( cũ), và nay là Nghị định 68 và Nghị định 132. Chi phí lãi vay khi tính thuế TNDN vô tình cũng bị đánh 2 lần trên cả công ty mẹ và con, dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế.

Nghị định 132 chống chuyển giá: 8.000 doanh nghiệp nội và ngoại tiếp tục vào vòng siết chặt - Ảnh 2.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Đặng Ngọc Minh cho biết hiện cả nước có khoảng 16.500 doanh nghiệp có quan hệ liên kết, 8000 doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết, trong đó thì khoảng trên 70% là doanh nghiệp ngoại. Theo cam kết WTO, có nguyên tắc cấm phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trong nước về thuế.

"Chúng ta không có phân biệt DN liên kết với nước ngoài hay trong nước, phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch", ông Minh nhấn mạnh.

Đối với doanh nghiệp trong nước, ông Minh cho rằng DN trong nước chúng ta hiện nay cũng đầu tư ra nước ngoài rất nhiều. Do đó, NĐ 132 này cũng kiểm soát luôn. Ngoài ra, chúng ta có chính sách ưu đãi giữa ngành nghề khó khăn, giữa các vùng nhất định thì có những chính sách ưu đãi theo địa bàn, lĩnh vực. Một tập đoàn trong nước chúng ta cũng đa nghề, đa lĩnh vực, khi có sự chênh lệch giữa các lĩnh vực và có quan hệ liên kết thì nó sẽ phát sinh vấn đề chuyển lợi nhuận từ DN ở địa bàn có thuế suất cao sang DN có thuế suất thấp.

"Kể cả trong trường hợp không có chênh lệch lãi suất nhưng DN vẫn có thể có hoạt động chuyển giá do các hoạt động, lĩnh vực có thể thời điểm này DN thì lỗ, DN kia thì lãi nhiều. Nên họ vẫn có thể thông qua hoạt động chuyển giá, giao dịch giữa các bên liên kết để chuyển lợi nhuận từ DN có lãi sang DN lỗ. Thực tế, trong nước cũng có hoạt động chuyển giá, vì vậy nghị định này sẽ điều chỉnh tất cả nội dung đó", ông Minh chia sẻ thêm.

Doanh nghiệp nội lỗ vẫn phải đóng thuế vì Nghị định 20

Cuối năm 2017, Nghị định 20 ra đời nhằm giảm thiểu tình trạng chuyển giá, trốn thuế. Mấu chốt của Nghị định này là khống chế tỷ lệ lãi vay. Cụ thể, tổng chi phí lãi vay không được vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay và khấu hao trong kỳ. Nếu quá, sẽ không được tính là chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Quy định này đã điểm trúng "huyệt" của các doanh nghiệp FDI, quản lý được công tác chuyển giá, trốn thuế, nhưng lại vô tình gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước, khiến cho không ít doanh nghiệp phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng tiền thuế mỗi năm, từ lãi thành lỗ hoặc bị tính thuế 2 lần cả công ty mẹ và công ty con nếu cho nhau vay tiền.

Nghị định 132 chống chuyển giá: 8.000 doanh nghiệp nội và ngoại tiếp tục vào vòng siết chặt - Ảnh 3.

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai lỗ hàng trăm tỷ đồng vẫn phải đóng thuế TNDN.

Ví dụ như trường hợp của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai. Năm 2017 doanh nghiệp này bị lỗ hơn 400 tỷ đồng, nhưng vẫn phải đóng thuế hơn 100 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh lại đang rơi vào tình cảnh bết bát. Ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai cho biết: "Lỗ mà vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp làm cho chúng tôi đã khó khăn thì nay lại càng khó khăn thêm."

Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng chỉ bàn giao dự án cho công ty con, dù không hưởng lãi lời gì nhưng Tập đoàn này bẫn phải đóng thuế 2 lần, tại công ty mẹ và công ty con. Dù là chi phí thực nhưng do bị giới hạn 20% nên doanh nghiệp vẫn phải đóng thêm hàng trăm tỷ đồng tiền thuế mỗi năm.

Nghị định 132 chống chuyển giá: 8.000 doanh nghiệp nội và ngoại tiếp tục vào vòng siết chặt - Ảnh 4.

Ông Lê Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng Sản Việt Nam.

"Phần này hoàn toàn không có thu chênh lệch gì mà cuối cùng công ty mẹ vẫn phải đứng ra chịu 1 lần thuế nữa. Đóng thuế 2 lần", ông Lê Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng Sản Việt Nam cho hay.

Theo các doanh nghiệp, chi phí đi vay là chi phí thực và chính đáng của doanh nghiệp, phải được tính đúng, tính đủ để khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 68 nâng mức khống chế chi phí lãi lên 30% thay vì 20% như Nghị định 20, và sau đó hồi tố khoảng 4.785 tỷ đồng cho doanh nghiệp (cho các năm 2017, 2018).

Tuy nhiên, cộng đồng các doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng với sự sửa đổi của Nghị định 68. Các doanh nghiệp cho rằng mức khống chế chi phí lãi vay chỉ nên áp dụng cho các khoản vay đến từ nước ngoài, mà không áp dụng cho các khoản vay trong nước, các khoản vay từ các bên độc lập bởi Nghị định 20 là hướng đến hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của thông lệ quốc tế và khuyến cáo của Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế ( OECD). Tuy nhiên, đối tượng chính mà BEPS muốn hướng đến là các Tập đoàn đa quốc gia, có thể lợi dụng chênh lệch mức thuế suất TNDN để hưởng thuế trong khi Nghị định 20 lại áp dụng cho tất cả doanh nghiệp có giao dịch liên kết, bao gồm xuyên quốc gia hoặc cùng quốc gia Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước