"Chở đi sang tận Anh quốc, sang Pháp và một số nước ở châu Phi, châu Mỹ. Những người cộng đồng gốc Việt ở các nước khác dùng lá dong gói bánh chưng, nhớ về cội nguồn, nhớ về tổ tiên và nhớ về cái Tết Việt Nam", ông Mai Văn Chuyển, thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội, chia sẻ.
Thôn Tràng Cát gần 600 năm tuổi, đã có hơn 400 năm bám trụ với nghề trồng lá dong. Có gia đình đã qua nhiều đời sống với lá. Như nhà ông Cường (thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội), ông đã học cách chăm sóc 3 sào lá dong nhà mình từ thuở bé.
"Kế thừa từ các cụ để lại, hàng năm, chúng tôi vẫn cắt tỉa, dọn, rồi cuối năm thu hoạch", ông Nguyễn Văn Cường cho biết.
Thôn Tràng Cát đã có hơn 400 năm bám trụ với nghề trồng lá dong. (Ảnh: Dân trí)
"Tự hào lắm! Đấy là cái lộc của các cụ để lại cho chúng tôi. Chúng tôi vẫn duy trì, giữ mãi không bao giờ phai mờ", bà Lê Thị Dung, thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội, bày tỏ.
Lá dong sau khi cắt ngoài ruộng về sẽ trải qua 3 công đoạn trước khi mang ra chợ bán. Đầu tiên là xếp lá, phân loại lá. Kế tiếp là bó lá (sắm lá). Thông thường mỗi bó sẽ có 50 lá. Cuối cùng là chặt lá, để bó lá đẹp và hút mắt hơn.
"Cứ đếm lá là có tiền", bà con trồng lá dong ở thôn Tràng Cát nói vui như vậy mỗi mùa Tết. Nhà bà Hà năm nay ăn Tết sung túc (làng Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội), bởi "trúng mùa lại được giá".
"Lá to đẹp khoảng 200.000 đồng, loại trung bình, là 150.000 đồng, loại rẻ là 60.000 đồng. Năm nay giá đắt hơn", bà Nguyễn Thị Hà cho biết.
"Người ta đi bán 3.000 lá dong là đã có 5 triệu đồng. Nếu một phiên chợ so với thóc, lúa, gạo thì tới 3 - 4 tạ thóc", ông Mai Văn Chuyển, thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội, nói.
Có người gọi những tấm lá dong xanh mướt là "ngọc xanh" của đất trời, bởi người dân Tràng Cát không chỉ sống với lá, mà còn làm giàu từ lá. Lá dong Tràng Cát đi khắp nơi, xuất khẩu sang nước ngoài, góp phần gìn giữ nét đẹp trong cái Tết cổ truyền của người Việt Nam, dù ở nơi đâu.
Thanh long ngọt... mà đắng!
Trái cây của Việt Nam mùa nào thức đó, nhiều loại quả nổi tiếng như bưởi, vải, sầu riêng đã có thương hiệu riêng tại nhiều thị trường trên thế giới.
Tuy nhiên, không phải loại nông sản nào xuất khẩu trong năm qua cũng mang một niềm vui, cũng là trái ngọt. Trái thanh long là một ví dụ, điều đáng nói, từ một loại quả xuất khẩu tỷ đô, năm nay lại khác.
Huyện Châu Thành, tỉnh Long An, được xem là "thủ phủ" của thanh long miền Tây. Vuốt tai lá để được thẳng và xanh, giữ từng dây thanh long luôn tươi, quả vừa to, vừa đỏ, mới mong bán được giá.
Một năm có 365 ngày, phải mất 300 ngày, vợ chồng ông Đạo chăm chút cho vườn thanh long, chỉ mong đến ngày hái quả. Tuy nhiên, khi giá thanh long ruột đỏ rớt giá mạnh, ruột người nông dân lại quặn đau.
Những người nông dân hy vọng mùa vụ mới trái thanh long sẽ ngọt lành như vốn có. (Ảnh: TTXVN)
"Cũng buồn lắm chứ, mà tại mình cực khổ quá mà không được giá. Mình chăm sóc để trái to, bóng, đẹp nhưng cuối cùng... cũng như mình trồng trái ngọt, mà ra trái đắng", bà Nguyễn Thị Thanh Dung, xã Hiệp Thạnh, Châu Thành, Long An, bày tỏ.
Ở Việt Nam, cứ 10 trái thanh long, có 8 trái bán sang Trung Quốc. Khi thị trường này tạm dừng không mua, thanh long rớt giá. Vụ Tết này, thanh long ruột đỏ có giá chỉ 2.000 đồng/kg, bằng 1/10 so với năm ngoái. Nhiều chủ vườn không đủ tiền thuê công nhân thu hái, đành để trái trên cây, coi như bỏ.
"Giờ không ai mua, mua rẻ quá thà người ta bỏ chứ mướn thì người ta mướn không nổi. Rẻ quá không có tiền để mướn rồi người ta vặt bỏ hết", chị Nguyễn Thị Kim Nở, xã Thanh Phú Long, Châu Thành, tỉnh Long An, cho hay.
Tuy nhiên, từ nay hy vọng mọi thứ sẽ khác, một dự án làm nước ép, thanh long sấy khô được doanh nghiệp lên kế hoạch xây dựng.
"Công ty chúng tôi đang xây nhà máy khoảng 10.000 m2 để làm nước ép, cấp đông và sấy để dự trữ xuất khẩu", Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An Nguyễn Khắc Huy cho biết.
Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm, khoảng 300.000 tấn thanh long được thu hoạch. Những người nông dân vẫn hy vọng, mùa vụ mới trái thanh long sẽ ngọt lành như vốn có, thứ nông sản ngọt lành thơm mát nổi tiếng của Việt Nam.
Khi số lượng nhiều, giá rẻ không còn là lý do để nhiều bạn hàng tìm đến nông sản Việt Nam, cũng là lúc những người nông dân phải thay đổi, nếu không thì không chỉ trái thanh long mà nhiều loại trái cây, nông sản của Việt Nam cũng sẽ có vị đắng như vậy.
Nhiều năm qua, sản lượng gạo xuất khẩu ngày càng giảm, những giá trị vẫn tăng, giá gạo của Việt Nam có thời điểm đắt nhất thế giới. Người nông dân cũng dần thay đổi tư duy, chú trọng nhiều hơn vào chất lượng của hạt gạo.
Ngày đầu tiên ra đồng của nông dân miền Tây
Hiện anh Đang (xã Long Hưng, Mỹ Tú, Sóc Trăng) đã chuyển sang trồng giống lúa OM 18 sau hàng chục năm canh tác Ir 50404.
Không còn chạy theo sản xuất số lượng, mà tập trung vào chất lượng để hướng đến xuất khẩu, anh Đang càng lúc càng thấy rõ con đường mình chọn 7 - 8 năm về trước là đúng đắn.
"Mình trồng lúa xuất khẩu được giá thành cao. Năng suất không cao như giống cũ nhưng bù lại chất lượng cao. Thị trường tiêu thụ dễ lắm, có thể có hợp đồng bao tiêu trước luôn, không cần tới làm xong mới kêu thương lái bán", anh Phạm Văn Đang chia sẻ.
"Trúng mùa rớt giá là do mình trồng giống chất lượng quá thấp. Thị trường tiêu thụ không có. Tôi mong muốn bà con nông dân Việt Nam thay đổi để sản xuất những giống lúa chất lượng cao để xuất khẩu ra thế giới. Việt Nam không chỉ là nước sản xuất gạo hàng đầu thế giới, mà còn là nhà sản xuất gạo chất lượng ngon hàng đầu thế giới, điển hình như giống ST24, 25", anh Phạm Văn Đang bày tỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!