Người thu nhập thấp khó chạm tay tới nhà ở xã hội

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 01/10/2023 12:18 GMT+7

VTV.vn - Nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp vẫn là bài toán nan giải, được các tờ báo quan tâm trong tuần này.

Tờ Lao động phản ánh, nhiều người lao động thu nhập thấp mong muốn có nhà để ổn định cuộc sống, tuy nhiên tình trạng cung không đủ cầu, điều kiện khắt khe, thủ tục vay vốn rườm rà, lãi suất cao đã khiến giấc mơ nhà ở xã hội của nhiều gia đình trở nên xa vời.

Gần đây nhất, dự án nhà ở tại Trung Văn mở bán với mức giá gần 20 triệu đồng/m2 giả sử có đủ tiêu chí và điều kiện mua, phần lớn gia đình không chịu được nhiệt vì mức lãi suất cao như hiện nay.

Cũng theo tờ Lao động, lợi nhuận thấp, nguồn vốn bị tắc nghẽn, chi phí đầu vào tăng cao, trong khi trình tự thủ tục đầu tư xây dựng mua bán nhà ở xã hội phức tạp đã khiến không ít doanh nghiệp không mấy mặt mà đầu tư cho nhà ở xã hội. Chính sách phát triển 1 triệu các nhà ở xã hội của Chính phủ là phù hợp với bối cảnh kinh tế đang phát triển, tuy nhiên cần phải đơn giản thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư.

Có thể lấy ví dụ từ TP Hồ Chí Minh, một trong những địa phương phát triển năng động nhất cả nước, nhưng việc phát triển các dự án nhà ở xã hội cũng không thuận lợi.

Người thu nhập thấp khó chạm tay tới nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Một dự án nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: PLO)

Theo thông tin trên tờ Đầu tư, giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có tới 91 dự án nhà ở xã hội, quy mô dự kiến xấp xỉ 99.000 căn hộ, nhưng hết quý II năm nay, thành phố mới đưa vào sử dụng 623 căn hộ, chưa đạt 1/10 số căn nhà ở xã hội. Nguyên nhân được lý giải là do nhiều chủ đầu tư chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách. Nguồn tiền thu được từ quy đổi 20% đất chưa được tách thành mục riêng dùng để phát triển nhà ở xã hội.

Nhiều chủ đầu tư "ngó lơ" nhà ở xã hội

Cùng thông tin về chủ đề này, tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành kế hoạch giám sát việc triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, qua kiểm tra cho thấy theo quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% số căn hộ của dự án để cho thuê, sau 5 năm mới được bán. Điều này dẫn đến chủ đầu tư chậm thu hồi vốn nên không mặn mà thực hiện.

Những vướng mắc được chỉ ra ở một số nơi khi triển khai dự án nhà ở xã hội đã khiến chủ trương rất nhân văn này rơi vào bế tắc. Điều đó đòi hỏi cần phải sớm có những giải pháp để tháo gỡ. Những giải pháp đã được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh nói riêng và nhiều địa phương khác trên cả nước nói chung đang đẩy nhanh tiến độ.

Sớm rà soát, tháo gỡ khó khăn cho dự án nhà ở xã hội

"Sớm rà soát, tháo gỡ khó khăn cho dự án nhà ở xã hội", đây là nhấn mạnh của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh trên tờ Sài Gòn giải phóng, trong đó yêu cầu lãnh đạo các cấp cần theo dõi, hỗ trợ chủ đầu tư các dự án đẩy nhanh triển khai các giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý, đảm bảo tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, quan tâm thực hiện công tác quản lý nhà nước, đảm bảo chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến chất lượng công trình, pháp lý của dự án.

Còn theo tờ Lao động, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này đã thay đổi một số tiêu chí để người dân có thể rõ ràng hơn trong việc mua nhà ở xã hội. Trước đây có 3 tiêu chí gồm cư trú, thu nhập và nhà ở, trong dự thảo lần này đã bỏ tiêu chí về cư trú.

Như vậy công dân Việt Nam chỉ cần có đủ điều kiện về thu nhập và nhà ở là được quyền mua. Trước đây nếu có nhà ở nhưng dưới 10 m2 mới là đối tượng được mua nhà ở xã hội, nay có thể xem xét tăng lên 15 m2 một người.

Bộ Xây dựng: Không tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội Bộ Xây dựng: Không tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội

VTV.vn - Đại diện Bộ Xây dựng cho biết nếu tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội sẽ khiến nâng giá bán nhà ở cho người thu nhập thấp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước