Chỉ cần một khoản tiền từ 400 - 1 tỷ đồng, nhiều gia đình đã có 1 căn chung cư từ 35 - 60 m2 để ở, phù hợp với thu nhập và mức sống của đại đa số người dân lao động. Dù có nhiều mối lo thiếu an toàn phòng cháy chữa cháy, hay chưa yên tâm về giấy tờ pháp lý, nhưng nhiều người dân đô thị vẫn lựa chọn, trong bối cảnh thị trường nhà ở thiếu trầm trọng phân khúc nhà ở giá rẻ.
Sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), bên cạnh những nỗi day dứt, xót xa, điều kiện để người thu nhập thấp được mua nhà ở xã hội ở những thành phố lớn lại càng trở thành vấn đề nóng lúc này, nhất là trong bối cảnh hiện nay, người đủ điều kiện được mua nhà ở xã hội được cho là may mắn, nhưng họ cũng không mặn mà, bởi mức giá chưa phù hợp, lãi suất ngân hàng còn cao, đặc biệt là vướng quá nhiều thủ tục hành chính.
Gần 20 triệu đồng mỗi tháng là tiền lương cộng lại của 2 vợ chồng anh Đức làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội. Số tiền chỉ vừa đủ trả tiền thuê nhà 3,5 triệu, chi phí sinh hoạt, tiền ăn học cho 2 đứa con. Tính đi tính lại không dư ra đồng nào để trả gốc và lãi vay hàng tháng nếu mua nhà ở xã hội, nên giống như nhiều người, anh Đức cũng không đi làm thủ tục xác minh mình là người thu nhập thấp để mua nhà ở xã hội.
"Con gửi ở đây chi phí rất cao. Ở đây đóng tiền cho con đi học 1 tháng bằng đóng tiền cho con đi học ở quê 1 năm. Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp dao động từ 900 đến hơn 1 tỷ, trả góp tối thiểu đã mất hết tiền lương rồi", anh Nguyễn Việt Đức, Công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội, chia sẻ.
Phân khúc căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 triệu/m2 gần như không có dự án mới trong giai đoạn 3 - 5 năm trở lại đây. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Người đủ điều kiện thu nhập thấp cũng phải cân đối tài chính khi một nửa thu nhập đã trả cho khoản vay ngân hàng. Còn cơ quan chức năng cũng vướng nhiều thủ tục phức tạp, nhất là phải xác minh đối tượng không nộp thuế thu nhập thường xuyên; xác nhận đối tượng chưa có nhà ở.
"Những người lao động thu nhập thấp ở tỉnh khác đến, có thể không có nhà ở tại địa điểm ông ấy đến làm việc, nhưng cái nhà cũ của ông ấy thì không ai xác nhận cho ông ấy cả, mà hiện nay lại bỏ cái chế độ hộ khẩu, chỉ còn căn cước, nên toàn bộ việc này các sở xây dựng đang lúng túng", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết.
"Rõ ràng 10 năm vừa qua, giá nhà tăng rất là cao so với thu nhập của người dân. Kinh tế phát triển, thu nhập của người dân phát triển, nhưng tốc độ tăng giá nhà, giá đất cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân. Về lãi suất, mặc dù các ngân hàng Big 4 đã tham gia rất tích cực, đưa ra lãi suất 8%, nhưng là người thu nhập thấp, người ta trả được gốc đã khó, huống chi là lãi suất 8% cũng vẫn rất là cao so với thu nhập của người dân", ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đánh giá.
Theo các chuyên gia, trong khi giá nhà ở xã hội đã tăng gấp đôi sau 5 năm, còn khung thu nhập dưới thuế vẫn giữ như 8 năm trước, người lao động phải chứng minh được mọi thành viên trong gia đình có thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tức không quá 11 triệu đồng một tháng là quy định thiếu thực tế. Quy định này đang gây khó cho cả người mua nhà và cơ quan chức năng khi phải chứng minh, xác minh đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Cần nới rộng quy định về đối tượng được mua nhà ở xã hội
Theo Bộ Xây dựng, phân khúc căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 triệu/m2 gần như không có dự án mới trong giai đoạn 3 - 5 năm trở lại đây. Trong khi đó, nhu cầu của phân khúc này chiếm tới 70 - 80% và đều là nhu cầu ở thực. Bên cạnh đó, rõ ràng các quy định hiện hành đang làm khó cho cả đối tượng được hưởng ưu đãi lẫn cơ quan chức năng. Cũng vì vậy, nhiều nơi vẫn tồn tại những nghịch lý: nơi thì người trong diện được mua nhà ở xã hội được cho là may mắn, nhưng không mặn mà đi xác minh mình là người thu nhập thấp, bởi có xác minh được thì cũng không đủ tiền trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng để mua nhà. Có nơi, người dân người trong diện được bố trí tái định cư, hoặc được mua nhà ở xã hội theo quy định, nhưng lại không có sẵn nhà để mua.
Lay lắt hơn 10 năm, việc giải phóng mặt bằng dự án Khu đô thị, Công nghiệp và Dịch vụ VSIP Hải Phòng vẫn chưa xong. Đất trong diện thu hồi giải phóng mặt bằng ở đây, số ít có sổ đỏ, còn đa số là đất người dân đấu thầu và tự khai hoang. Nhiều hộ dân chưa di dời vì cho rằng, ngoài việc địa chính xã đo đạc đất chưa đúng, kiểm đếm tài sản trên đất chưa đủ, quan trọng nhất là họ vốn là những người thu nhập thấp, hộ cận nghèo, khi họ rời khỏi những khu đất đấu thầu làm vườn ao chuồng này, họ sẽ thất nghiệp. Mong mỏi lớn nhất là sớm được tái định cư, hoặc được mua nhà ở xã hội để an cư lạc nghiệp.
"Đất 203 của nhà tôi thu hết rồi, bây giờ còn đất thầu của nhà tôi còn lại gần 9.000 m2 cũng lại thu tiếp mà không cho tôi được lô đất tái định cư, không cho tôi được chỗ nào để tôi bán quán, bán hàng thì gia đình nhà tôi không có gì để sinh sống", bà Nguyễn Thị Son, xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, chia sẻ.
"Giá đền bù có 700.000 đồng/m2, 730.000 đồng/m2, mà bây giờ chúng tôi đi mua ở trong kia nó lại 15 - 20 triệu đồng/m2 thì làm gì có tiền. Đã cấp tái định cư cho tôi đâu. Phải cấp đất cho tôi thì tôi mới đi chứ, giờ không cấp đất cho tôi, tôi đi thì tôi ở đâu", bà Vũ Thị Thanh, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, cho biết.
Theo Luật Nhà ở hiện hành, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở là đối tượng thứ 10 trong 10 đối tượng được mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nhà ở xã hội hiếm có khó tìm, nếu có cũng chưa đến lượt mua, còn nhà tái định cư chắc chắn có suất hay không, ngay cả đại diện cơ quan quản lý cấp xã cũng không nắm rõ.
"Nếu như các tỉnh thành không đẩy mạnh đầu tiên là quy hoạch và người ta không quyết liệt trong cái giải phóng mặt bằng, cũng như việc tổ chức triển khai, thủ tục phê duyệt hiện nay, từ phê duyệt dự án đến phê duyệt người mua, chúng ta cần phải có các cái điều chỉnh để làm sao mở rộng đối tượng ra", ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định.
Tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến nhu cầu về nhà ở tăng đột biến, đặc biệt là nhà ở giá bình dân. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Dù ở thời điểm này, lượng cung nhà ở xã hội còn khan hiếm, nhưng các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng tính toán kỹ chính sách nhà ở cho các đối tượng khác nhau như: người có thu nhập thấp ở đô thị và nông thôn, người thuộc diện tái định cư, lực lượng vũ trang, người lao động, sinh viên…, để từ đó xây dựng tiêu chí phù hợp, cụ thể, bình đẳng. Đặc biệt, không chỉ dừng ở người thu nhập thấp, nữa, mà cần tính tới cả đối tượng là Người có thu nhập trung bình thấp.
Sẽ có quy định mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội
Người dân di cư về các đô thị lớn luôn có mong muốn sở hữu nhà ở. Tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến nhu cầu về nhà ở tăng đột biến, đặc biệt là nhà ở giá bình dân. Tuy nhiên nguồn cung phân khúc này lại khan hiếm, trong khi giá bán vẫn giữ ở mức quá cao so với thu nhập của những người thực sự có nhu cầu. Chính vì vậy, nhiều ý kiến đã góp ý cho Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó yêu cầu bức thiết là cần sửa đổi các quy định về nhà ở xã hội theo hướng mở rộng đối tượng với tiêu chí đơn giản, giảm tối đa yêu cầu giấy tờ, thủ tục hành chính như tình trạng chỗ ở, mức thu nhập…
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến thông qua tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6. Theo đó, ngoài 10 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội đang được quy định tại Luật Nhà ở năm 2014, Bộ Xây dựng đã bổ sung thêm một nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là: doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân; bên cạnh đó sẽ bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng; bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Theo đó, UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.
Các nội dung này nhằm khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và đảm bảo giá nhà ở xã hội ở mức vừa phải để cán bộ, công nhân, người lao động có thu nhập thấp đến thu nhập trung bình thấp có điều kiện mua nhà ở, ổn định cuộc sống và cũng là để đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế việc phải ở trong những khu nhà không đạt điều kiện về an ninh, phòng cháy chữa cháy.
Luật Nhà ở hiện hành quy định 10 nhóm đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội gồm:
1. Người có công với cách mạng;
2. Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn. Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;
3. Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
4. Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.
5. Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
6. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
7. Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định;
8. Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề;
9. Học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập;
10. Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!