Nhiều ngư dân ở Huyện đảo Phú Quý ăn Tết vui hơn từ những chuyến đi biển mang về hiệu quả thực sự.
Huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận hiện là điểm sáng về thực hiện chính sách cho vay đóng mới và nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ. Hơn 10 chiếc tàu cá công suất lớn đóng mới bằng nguồn vốn 67 đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Nhờ đó, nhiều gia đình ăn Tết vui hơn từ những chuyến đi biển đầu tiên mang về hiệu quả thực sự.
Cuối tháng Chạp, gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, nên hầu hết tàu công suất lớn của ngư dân đảo Phú Quý đều quay về bến nghỉ ngơi, chờ ăn Tết xong mới ra khơi trở lại.
Anh Đặng Bi, ngư dân xã Long Hải sở hữu chiếc tàu cá vỏ gỗ công suất 500CV được đóng mới từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67 của Chính phủ cho biết, tàu được hạ thủy vào đầu tháng 6/2015, tàu xuất bến đánh bắt ở quanh vùng biển Trường Sa. Qua 2 chuyến đánh bắt đều trúng đậm, chuyến đầu được 9 tấn, chuyến tiếp theo được 8 tấn.
“Từ khi tàu đóng xong xuống nước đi được 2 chuyến tổng cộng thu về được hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lại lợi nhuận cỡ 700 triệu đồng. Nếu cứ duy trì được sản lượng như hiện nay, chỉ trong vòng từ 4 - 5 năm sẽ đủ tiền hoàn nợ cho Nhà nước”, anh Đặng Bi phấn khởi cho biết.
Ngoài anh Bi, ngư dân Châu Minh Cương ở thôn Triều Dương, xã Tam Thanh cũng đã đóng mới con tàu công suất 500CV với kinh phí gần 5,8 tỷ đồng. Trong đó 4 tỷ đồng là tiền vay từ Ngân hàng NN&PTNT Phú Quý. Chính nhờ nguồn vốn 67, anh Châu Minh Cương mới có thể làm chủ con tàu công suất lớn, chuyên đánh bắt ở Trường Sa.
“Trước đây ngư dân chỉ có ghe nhỏ công suất máy 33 CV dùng đánh bắt thủy sản gần bờ chừng 40 hải lý đổ lại. Từ 2 - 3 năm nay, tài nguyên gần bờ rất là cạn kiệt, nhưng nhờ có vốn 67 của Chính phủ ngư dân đóng được tàu to, máy mới đánh bắt xa bờ mang lại hiệu quả rõ rệt”, anh Cương cho biết.
Từ khi hạ thủy tàu mới được hơn 6 tháng, anh Cương đã đi 3 chuyến đánh bắt hải sản ở quần đảo Trường Sa, trừ phí tổn và chia cho anh em thuyền viên, anh lãi gần 500 triệu đồng.
Tính đến cuối năm 2015, toàn đảo Phú Quý đã có 130 hồ sơ được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Trong số đó, 36 trường hợp đã đến ngân hàng đăng ký vay vốn và 24 chiếc đã được giải ngân 115 tỷ đồng. Từ số vốn này, 14 chiếc đóng mới đã hoàn thành, hạ thủy, đưa vào khai thác trong quý IV/2015.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT huyện đảo Phú Quý cho biết, qua theo dõi của ngân hàng, trong quý IV/2015, số tàu đã hạ thủy đi vào hoạt động bước đầu phát huy hiệu quả. Trừ chi phí, mỗi tàu lãi bình quân từ 200-300 triệu đồng mỗi chuyến.
“Ngân hàng thấy yên tâm và tự hào vì đồng vốn của Chính phủ đã đầu tư vào đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Với lợi nhuận sau khi đóng tàu, nhiều ngư dân sẽ có khả năng trả nợ gốc và lãi đúng hạn, thậm chí nhiều ngư dân còn cam kết trả nợ trước thời hạn”, ông Cường cho biết.
Khẳng định ý nghĩa lớn cũng như tính hiệu quả của Nghị định 67, ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý cho biết: Huyện đảo xác định phát triển kinh tế biển tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương trong thời gian tới. Do vậy, chính sách hỗ trợ phát triển nghề cá theo Nghị định 67 của Chính phủ cùng một số chính sách khác đang triển khai có ý nghĩa đặc biệt với ngư dân trong huyện.
“Đây là bước ngoặt lớn bởi từ khi Nghị định 67 ra đời, bà con ngư dân đã có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn đóng tàu. Hiện nay đã có những chiếc tàu mới đóng đã xuất bến và đi làm ăn có hiệu quả. Trong tương lai sắp tới, ngành kinh tế biển ở Phú Quý chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển”, ông Linh khẳng định.
Những chuyến biển bội thu đã mang niềm vui trọn vẹn đến với ngư dân trên đảo Phú Quý trong mùa Xuân này. Với những con tàu công suất lớn, đầu năm mới Bính Thân, ngư dân Phú Quý tự tin vươn khơi, bám biển, triển kinh tế gia đình, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.