Trong bối cảnh Việt Nam đang được cho là điểm sáng hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), một số đại biểu cho rằng cần thay đổi cách thu hút để đảm bảo công bằng và tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.
Theo các đại biểu, Chính phủ cần có giải pháp để tăng cường sự đóng góp từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vào tăng trưởng kinh tế, giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ đấu giá đất đai và dầu thô.
Vấn đề cổ phần hóa DNNN cũng là mối quan tâm của nhiều đại biểu. Bởi tiến trình cổ phần hóa còn chậm, chưa đúng kế hoạch đề ra. Điển hình như năm 2018, cả nước phải cổ phần hóa 64 doanh nghiệp nhưng thực tế chỉ đạt 17%. Số còn lại xin chuyển hoàn thành sang những năm sau. Tuy nhiên vẫn có những doanh nghiệp thậm chí không có báo thời gian dự kiến hoàn thành. Ngoài nguyên nhân do một số bộ ngành, địa phương chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, còn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành không cần thiết hay chậm phê duyệt phương án sử dụng đất trước cổ phần hóa.
Vấn đề chậm giải ngân kế hoạch vốn Ngân sách Nhà nước cũng được các đại biểu nêu ra. Năm 2018, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt gần 76%. Trong đó, các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, TPCP và vốn nước ngoài đều không đạt kế hoạch. Các đại biểu cho rằng cần phân tích nguyên nhân từ cơ chế hay thực hiện và quy rõ trách nhiệm.
Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng được các đại biểu chỉ ra do vướng mắc ở Luật Đầu tư công và những chồng chéo với các luật khác. Điều này khiến không ít các dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội. Thậm chí, kể cả các đơn vị công lập có khả năng sản xuất kinh doanh, tự tạo ra nguồn thu, nhưng để được chi đầu tư cũng phải mất đến 3 năm thẩm tra để được xem xét phê duyệt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!