Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn, do dịch bệnh bùng phát trở lại. Hiện nhiều tuyến xe bị hạn chế hoặc phải tạm dừng hoạt động khiến doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm mạnh.
Mặc dù đã tích lũy được kinh nghiệm sau 3 lần đối mặt với dịch trong năm 2020, nhưng khi làn sóng COVID-19 lần thứ 4 tái bùng phát trong năm nay, nhưng nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải không tránh khỏi những thiệt hại về kinh tế. Một số doanh nghiệp dù đã chuyển hướng từ chuyên chở hành khách sang chở hàng hóa, góp phần đảm bảo doanh thu, nhưng 2/3 đầu xe vẫn phải dừng hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn do dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Theo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, thời điểm này hầu hết doanh nghiệp đều hoạt động cầm chừng nên ngoài việc trả lương cho tài xế, doanh nghiệp cũng đang rất lo lắng việc trả nợ ngân hàng hàng tháng. Các doanh nghiệp đã dùng vốn tích lũy để duy trì hoạt động trong những đợt COVID-19 diễn ra.
"Hiện nay, hầu hết các quỹ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều đã sử dụng để hỗ trợ cho người lao động bị ngưng việc, bị nghỉ việc. Trên 30% phương tiện phải dừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết.
Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều có chung tâm tư và mong muốn Nhà nước tiếp tục có chính sách ưu đãi để duy trì hoạt động trong khoảng thời gian khó khăn diễn ra dịch COVID-19.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn các ngân hàng có thể cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể vượt khó khăn trong đợt dịch này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!