Ngày 30-31/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có cuộc họp thường kỳ. Đây thường là cuộc họp mang tính nội bộ và FED sẽ không đưa ra quyết định quan trọng bởi ngay sau cuộc họp sẽ không có họp báo. Tuy nhiên, cuộc họp lần này được báo chí quan tâm hơn bởi tính thời điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ đang đếm ngược từng ngày tới cuộc họp. Ở một hướng khác, các nhà đầu tư cũng đang theo dõi từng diễn biến của thị trường chứng khoán để xem FED liệu có đưa ra chính sách mới hay không.
Trang CNBC có bài "Kể từ năm 1990, thị trường chứng khoán thường làm điều này mỗi tuần trước khi FED hạ lãi suất. Đó chính là việc cả 3 chỉ số chính của thị trường đều tăng điểm mạnh trong 5 ngày trước khi cuộc họp diễn ra". Hai ngày qua, thị trường chứng khoán Mỹ đều chứng kiến cả 3 chỉ số tăng điểm mạnh. Theo đánh giá của công ty chuyên theo dõi chính sách của FED - CME Fedwatch, khả năng FED hạ lãi suất là 100%. Câu hỏi chỉ là hạ sâu đến mức nào?
FED sẽ cắt 0,5 điểm % là dự đoán của trang Bloomberg. Theo trang này, việc hạ lãi suất vào tháng này là một bước chuyển nhanh của FED bởi ngay cuối năm 2018, cơ quan này còn giữ quan điểm sẽ duy trì tăng lãi suất. Đây có thể không phải là bước đi thực sự mong muốn của FED nhưng là điều cả hai chính đảng đều đang trông đợi.
Hạ lãi suất sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng tốt hơn trong hai quý cuối năm - đó là mong muốn của các nhà làm luật Mỹ. Còn các nhà đầu tư phố Wall đang nhẩm tính, hạ lãi suất sẽ đầu tư vào đâu mang lại lợi nhuận hơn cả.
Theo Marketwatch, sẽ là mạo hiểm nếu đánh cược lớn vào việc giá dầu tăng do hạ lãi suất. Thế nhưng hạ lãi suất có thể giúp thúc đẩy kinh tế bằng việc khuyến khích người Mỹ vay nhiều hơn để chi tiêu, các công ty mở rộng kinh doanh. Bất cứ dấu hiệu tăng trưởng sản xuất nào cũng sẽ giúp thúc đẩy giá dầu. Vì thế cổ phiếu của các công ty năng lượng có thể được quan tâm hơn cả khi FED có quyết định chính thức.
Hạ lãi suất có nghĩa là bơm thêm đồng USD vào thị trường, khiến đồng tiền này giảm giá trị so với các đồng tiền khác. Đây cũng là lý do khiến tờ Nhật báo phố Wall cho biết, nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm tới các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi.
Thước đo giao dịch của các đồng tiền - chỉ số MSCI tiền tệ của thị trường mới nổi đã tăng 1,9% kể từ cuối tháng 6 tới nay. Điều này trùng khớp với thời điểm FED đưa ra tín hiệu hạ lãi suất. Các đồng tiền được quan tâm thuộc về các nền kinh tế vẫn đang duy trì lãi suất cao so với FED như Brazil, Mexico và Nam Phi.
Ngày 26/7 (theo giờ Mỹ), GDP quý II/2019 của Mỹ cũng sẽ được công bố. Theo nhiều dự báo, quý II/2019, kinh tế Mỹ sẽ chứng kiến sự sụt giảm tăng trưởng so với mức 3,1% của quý I/2019. Điều này càng làm cho các nhà đầu tư đặt niềm tin nhiều hơn vào việc đã đến lúc FED phải hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng ngay trong cuộc họp vào cuối tháng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!