Tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Kinh tế vĩ mô trong quý I cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được đảm bảo. Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng ngành công nghiệp giảm mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn số lượng gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Trong bối cảnh như vậy, việc điều hành kinh tế đang hướng đến hỗ trợ tăng trưởng để vượt khó. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các tỉnh, thành... tăng cường phân cấp, ủy quyền nhiều hơn để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nhanh chóng và thực chất hơn cho doanh nghiệp, người dân.
Vừa mở rộng quy mô sản xuất, vừa phải tiết giảm mọi loại chi phí, ưu tiên của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang là xây thêm các nhà xưởng tập trung trên cùng một diện tích, nhằm tối ưu hoá chi phí sản xuất và điều hành.
Ông Hà Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang cho biết: "UBND tỉnh tạo điều kiện hết mức trong vấn đề thủ tục hành chính cũng như giải quyết các việc để giải quyết vấn đề sử dụng đất và giao đất để kịp thời xây dựng nhà xưởng và đầu tư cho sản xuất".
Nhờ đẩy mạnh phân cấp ủy quyền 50 thủ tục hành chính đến người đứng đầu các sở, ngành và các huyện, tỉnh Bắc Giang đã kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về thủ tục kinh doanh, giải phóng mặt bằng, tiếp cận đất đai... Trên 90% các thủ tục hành chính được giải quyết trước và đúng hạn.
"Bắc Giang cũng đã phân cấp cho sở và huyện giải quyết các thủ tục liên quan đến chính sách cho người lao động, hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn để phục vụ phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch, thực hiện các nhiệm vụ trong giải phóng mặt bằng…", ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho hay.
Hàng loạt chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ đối với các bộ ngành, địa phương về hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, lãi suất, điều kiện kinh doanh... đã được thực hiện.
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam đánh giá: "Việt Nam là quốc gia đầu tiên châu Á chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng chính sách tiền tệ giúp hạ nhiệt lạm phát và dịu đi sức ép tỷ giá. Sự linh hoạt là cần thiết. Chúng tôi đánh giá cao việc chuyển hướng từ thúc đẩy tăng trưởng sang ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng, sớm tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, thúc đẩy đà sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng, xuất nhập khẩu".
Trong quý I, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng, thậm chí cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Nếu việc thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn chậm, hoặc nhiều quy trình thủ tục, chồng chéo sẽ khiến doanh nghiệp hoang mang.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định: "Nếu chúng ta cắt giảm được thủ tục hành chính, giảm được thanh tra và kiểm tra định kỳ, có chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp khai mở thị trường mới rất hiệu quả cho doanh nghiệp, đặc biệt là phần đông doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ".
Hỗ trợ xuất nhập khẩu và thuế, phí
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 12 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục xây dựng một số chính sách hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp.
Trước đây, việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do nước bạn áp dụng các biện pháp phòng chống COVID-19. Ngay sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, Hải quan các tỉnh biên giới phía Bắc đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông sản.
Ông Lưu Văn Đô - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đô Vân, Quảng Ninh cho biết: "Trước kia 1 xe hàng đưa sang Trung Quốc rồi về Móng Cái phải mất 4 ngày thậm chí 10 ngày nhưng giờ làm trong ngày luôn".
"Giảm tờ khai đối tượng phải kiểm tra luồng vàng luồng đỏ; giảm số lượng lấy mẫu để kiểm tra hàng hóa, đồng thời chỉ đạo giảm số cuộc kiểm tra sau thông quan tại doanh nghiệp. Đặc biệt với các tỉnh biên giới phía Bắc sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các Chi cục làm việc 24/7 để thông quan kịp thời nông sản", ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan thông tin.
Nhiều biện pháp đang được nhanh chóng triển khai để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và hỗ trợ xuất khẩu. Ảnh minh họa.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí áp dụng cho năm 2023 với tổng qui mô khoảng 198,4 nghìn tỷ đồng.
"Đây là cú huých để chia sẻ động viên tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Vì nếu doanh nghiệp phát triển, nền kinh tế cũng sẽ phát triển. Doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là trung tâm của sự phát triển. Nếu doanh nghiệp phát triển sẽ thanh nợ được ngân hàng, thanh toán được nợ trái phiếu, tạo công ăn việc làm, nộp thuế được đầy đủ", ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá.
Bộ Tài chính đang tiếp tục xây dựng và đề xuất các cấp có thẩm quyền phê duyệt các chính sách giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2023, giảm 35 khoản thu phí, lệ phí và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Riêng đề xuất giảm 2% thuế gia trị gia tăng đã được Chính phủ đồng ý trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Trong Công điện số 238, Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về tiếp cận vốn, điều kiện kinh doanh, thanh khoản ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, nhất là các dự án lớn, trọng điểm. Đây là những giải pháp hết sức tổng thể và nếu được thực hiện tốt sẽ góp phần quan trọng phục hồi sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và tạo đà cho kinh tế vượt qua khó khăn và tăng trưởng trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!