Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa hài lòng với những thành quả đã đạt được trong mối quan hệ với Trung Quốc. Về phía Trung Quốc cũng không vừa ý với việc Mỹ nhiều lần nêu ra việc áp thêm thuế, có những yêu cầu quá khắt khe về sở hữu trí tuệ và từ chối bán các sản phẩm công nghệ cao.
Việc gia tăng xung đột thương mại giữa 2 bên trong tương lai không phải là không có khả năng - khi thái độ của Trung Quốc và Mỹ giờ vẫn rất cứng rắn. Nếu điều đó xảy ra, nhiều ngành nghề của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng lớn, khi mất đi thị phần từ thị trường đông dân nhất thế giới.
Trước những xung đột, người tiêu dùng Trung Quốc thường phản ứng rất nhanh. Đơn cử như việc tẩy chay hàng hoá Hàn Quốc – sau khi nước này hỗ trợ triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, với những phát ngôn bảo hộ thương mại, doanh số của Ford Motor, nhà sản xuất ô tô lớn thứ 5 trên thế giới tại Trung Quốc đã giảm 7%. Tesla cũng đang bị thử lửa, trong nỗ lực phát triển quy mô ở Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc quyết tâm làm khó những công ty công nghệ Mỹ thì có thể sử dụng chiêu bài áp dụng luật an ninh mạng. Dự kiến, luật này sẽ gây khó khăn cho các công ty nước ngoài, trong quá trình hạn chế truyền dữ liệu và đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với các phần mềm.
Đơn cử như Apple, doanh thu của gã khổng lồ công nghệ đã giảm 5 năm liên tiếp. Vào năm ngoái, các nhà quản lý còn buộc phải đóng cửa hàng loạt dịch vụ ibooks và itunes movies. Giờ đây Apple chỉ còn biết trông chờ vào sản phẩm iPhone 8 sắp được tung ra sẽ vực lại thị trường này.
Mỹ - Trung Quốc đang trong quá trình thương lượng để ngành điện ảnh Mỹ phát triển hơn tại Trung Quốc. Nhưng nếu xảy ra căng thẳng, đàm phán này có thể bị chững lại. Hiện Trung Quốc là mảnh đất tiềm năng cho ngành điện ảnh, nơi mà các bộ phim nước ngoài chiếm quá nửa doanh thu của các phòng vé.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!