Nhiều nỗi niềm nông dân gửi Thủ tướng

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 04/10/2020 13:46 GMT+7

VTV.vn - Nhiều trăn trở về nông nghiệp, nông thôn đã được các nông dân gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị được tổ chức mới đây ở Đắk Lắk.

Chiều 28/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì đối thoại với nông dân tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk với chủ đề "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại".

Đây là lần thứ 3 hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân được tổ chức, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Chính phủ đối với lĩnh vực nông nghiệp nói chung và người nông dân nói riêng.

Trước đó, vào năm 2018 và 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc đối thoại với nông dân ở miền Bắc tại Hải Dương và nông dân Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ; còn năm nay là tại Đắk Lắk - nơi có nhiều nông sản được trồng như cà phê, hồ tiêu, cao su, sầu riêng… Nhiều nỗi niềm người nông dân gửi tới Thủ tướng đã được báo Tiền Phong ghi nhận. 

Hơn 1.400 câu hỏi của bà con nông dân gửi đến Thủ tướng

Nhiều nỗi niềm nông dân gửi Thủ tướng - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương lắng nghe và trả lời, giải đáp những câu hỏi của nông dân tại hội nghị (Ảnh: TTXVN)

Anh Phạm Văn Chử ở huyện Ea H’leo, Đắk Lắk chia sẻ rằng điệp khúc "trồng - chặt" từng xảy ra với cây cao su nay lại lặp lại ở hồ tiêu, giờ người dân đổ xô đi trồng cây ăn quả. Anh mong nhà nước hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật tái canh cà phê cũng như quy hoạch vùng trồng để ngăn điệp khúc "trồng - chặt" tái diễn.

Trong khi đó, theo tờ Nông thôn ngày nay, trăn trở lớn nhất của nông dân Đắk Lắk là sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn, hữu cơ, tăng giá trị và tiêu thụ được, hay nói cách khác làm làm thế nào để bán được sản phẩm để người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm sạch với sản phẩm đại trà.

Đó chỉ là một vài lo lắng trong số hơn 1.400 câu hỏi của bà con nông dân ở mọi miền Tổ quốc gửi đến thủ tướng tại hội nghị. Thủ tướng đã lần lượt trả lời từng câu hỏi rất cụ thể, đi kèm với đó là giao cho các Bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp.

Ví dụ như với vấn đề có nên tiếp tục trồng cây cà phê, tờ Người lao động phản ánh khẳng định của Thủ tướng rằng đây vẫn là sản phẩm chủ lực chiến lược của Việt Nam nên cần tiếp tục trồng trong vùng quy hoạch. Còn Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cần tiếp tục mở rộng, ổn định thị trường để tái canh cây cà phê, mở rộng cấp vốn để tái canh cà phê, đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Phải hình thành một tầng lớp nông dân mới

Ngoài nhắc tới việc xây dựng chiến lược nghề biển, vượt qua dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tại hội nghị lần này Thủ tướng nhấn mạnh tới việc phải hình thành một tầng lớp nông dân mới.

Theo tờ Tuổi trẻ, tầng lớp nông dân này phải hiểu biết về thị trường, quy luật thị trường để biết cách sản xuất. Sản xuất nông nghiệp phải thắng ngay khi gieo hạt. Nhà nước sẽ hỗ trợ tốt hơn nữa cho nông nghiệp, nông dân, nhưng tự lực, tự cường đối với nông dân rất cần thiết, nhất là nông dân trẻ, phải tự vươn lên làm giàu.

Khẳng định hội nghị đối thoại lần thứ 3 giữa Thủ tướng với nông dân là một áp lực, tuy nhiên theo bình luận của báo Tiền Phong, cần phải biết biến áp lực này thành động lực. Hay nói cách khác những vướng mắc, nút thắt cần được những người có trách nhiệm cam kết tháo gỡ cho nông dân, tránh việc như trước đây 1 mâm cơm, 5 Bộ quản lý, Bộ nọ đổ lỗi cho Bộ kia. Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc, những giải pháp, tháo gỡ phục vụ nông dân có ý nghĩa vô cùng to lớn.

Thông qua các cuộc đối thoại như thế này, dường như các thành viên Chính phủ trở nên gần gũi, hiểu nông dân hơn để có thể bắt tay vào ngay để tháo gỡ khó khăn. Tất cả vì một nền nông nghiệp thịnh vượng.

Vì một nền nông nghiệp thịnh vượng

Nhiều nỗi niềm nông dân gửi Thủ tướng - Ảnh 2.

Cần phải đề cao và coi trọng hơn nữa vị trí, vai trò của nông nghiệp - nông thôn - nông dân (Ảnh minh họa - Dân trí)

Theo tờ Đại đoàn kết, cần phải đề cao và coi trọng hơn nữa vị trí, vai trò của nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Đây chính là đòi hỏi không chỉ trước mắt mà phải là chiến lược lâu dài. Phải đầu tư thật mạnh mẽ để thay đổi hẳn nông nghiệp nước nhà trên nền tảng đã đạt được là đòi hỏi cấp thiết. Đặc biệt khi trong tổng số gần 100 triệu dân cả nước thì số người ở nông thôn, làm nông nghiệp là gần 70 triệu người.

Kết thúc 3 lần đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân, nhiều giải pháp được Thủ tướng và các Bộ trưởng cam kết được kỳ vọng sẽ nhanh chóng được hiện thực hóa để tiếp nối những thành quả tam nông đã đạt được trong thời gian qua. 

Như theo bình luận trên tờ Tiền Phong, đời sống bà con khởi sắc hơn, khoảng cách nông thôn và thành thị được rút ngắn và điều quan trọng nhất đó là bà con đã có được niềm tin rằng: Họ có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình, hay nói cách khác có thể làm công việc của cả nghìn đời mà cha ông theo đuổi và nhìn thấy khả năng thịnh vượng từ đó trong bối cảnh mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước