Nhiều nước ASEAN “khát” lao động

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 16/10/2021 14:53 GMT+7

VTV.vn - Thiếu hụt lao động đang là vấn đề chung, mang tính nổi bật của các nước ASEAN cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.

Tình hình dịch COVID-19 tại Đông Nam Á

Các loại vaccine được cho là "tấm vé" giúp thoát khỏi đại dịch COVID-19. Dường như các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á đã nắm được trong tay tấm vé may mắn đó. Trong những ngày gần đây, một loạt thông báo mở cửa trở lại trên toàn khu vực cho thấy nhu cầu khôi phục lại hoạt động sản xuất bình thường mới, cũng như giúp hồi sinh ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do COVID-19.

Mới nhất, đảo Bali của Indonesia đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế quay lại với bãi biển đầy cát trắng, sau nhiều lần phải hủy bỏ kế hoạch. Ngoài ra, Indonesia đã cho phép các địa điểm công cộng mở cửa và nhà máy hoạt động hết công suất trở lại.

Trong 1 ngày qua, "quốc gia vạn đảo" ghi nhận chưa tới 700 ca bệnh mới, so sánh với mức đỉnh 56.000 ca mắc mỗi ngày hồi tháng 7. Trong đó, chỉ có 65 ca tử vong. Mặc dù hơn 80% dân số đảo Bali đã tiêm phòng, tuy nhiên tỷ lệ tiêm chủng đủ 2 mũi trên cả nước mới chỉ đạt ở mức 22%.

Nhiều nước ASEAN “khát” lao động - Ảnh 1.

Người dân chụp ảnh tại Vịnh Marina ở Singapore. (Ảnh minh họa - Ảnh: AP)

Trước đó, Singapore đã bổ sung 8 quốc gia mới vào danh sách được nhập cảnh miễn cách ly vào nước này đối với du khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19. Đây được coi là sự nới lỏng đi lại đáng kể nhất của Singapore kể từ khi nước này đóng cửa biên giới vào tháng 3/2020. Kế hoạch này được triển khai sau khi Singapore được khen ngợi là hình mẫu thành công trong công cuộc chống dịch COVID-19. Hiện Singapore đã tiêm chủng đầy đủ cho 83% dân số.

Theo Reuters, Singapore ghi nhận hơn 3.000 ca mắc mới mỗi ngày, trong những ngày qua, nhưng hơn 98% các trường hợp mắc bệnh ở Singapore có biểu hiện nhẹ, hoặc không có triệu chứng.

Việc mở cửa theo từng giai đoạn sẽ giúp Singapore kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu và bảo vệ vị thế là trung tâm tài chính lớn của thế giới. Ngân hàng ADB dự báo, kết quả tích cực này sẽ cho phép nền kinh tế Singapore hấp thụ được những lợi ích từ nhu cầu toàn cầu tăng cao.

Cũng giống như Singapore, Malaysia tiếp cận với chiến lược "sống chung với COVID-19" và coi đây giống như một căn bệnh đặc hữu, bằng cách kiểm soát dịch bệnh bằng vaccine thay vì tiếp tục áp đặt các lệnh hạn chế. Tỷ lệ người dân tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19 đã đạt mức 67% dân số. Số ca lây nhiễm được ghi nhận vào tuần trước đang có xu hướng giảm, xuống dưới 10.000 ca/ngày.

Hiện nhiều nước vẫn chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng đủ cao, từ 70% trở lên, để có miễn dịch cộng đồng. Như vậy, việc mở cửa và khôi phục hoạt động sản xuất vẫn phải tiến hành song song với các biện pháp phòng chống dịch.

Có thể thấy, điểm chung mang tính điều kiện tiên quyết vẫn là yếu tố vaccine. Tại các nhà máy ở trung tâm công nghiệp Penang của Malaysia, từ giữa năm nay, các nhà máy này đã chủ động làm việc với cơ quan chính phủ để sớm tiêm vaccine cho đội ngũ công nhân làm việc tại các dây chuyền sản xuất.

Bên cạnh vaccine, các nhà máy cũng xây dựng các quy trình làm việc an toàn dựa trên hướng dẫn về phòng chống dịch chung của chính phủ. Trong đó, khẩu trang, giãn cách, xét nghiệm vẫn là những biện pháp cơ bản được thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Tất cả các biện pháp này làm giảm tỷ lệ lây nhiễm cũng như thể phát hiện sớm các ca nhiễm và cách ly kịp thời không để dịch bùng phát tại các nhà máy, từ đó đảm bảo sản xuất an toàn trong trạng thái bình thường mới.

Hoạt động chế biến lương thực thực phẩm của Thái Lan tăng trưởng tốt

Sản xuất an toàn trong đại dịch không phải là điều dễ dàng, tuy nhiên vẫn có những ví dụ thành công. Theo Bộ Công nghiệp Thái Lan, bất chấp những thách thức từ đại dịch COVID-19, lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm của nước này đã đạt được những bước tiến lớn, qua đó khôi phục tăng trưởng và thậm chí còn mở rộng hoạt động, sau quãng thời gian sụt giảm mạnh hồi năm ngoái.

Tính riêng trong 7 tháng đầu năm, chỉ số MPI đo lường sản lượng và hoạt động của lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm đã tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhờ việc áp dụng chính sách "bong bóng và niêm phong" - yêu cầu công nhân ở lại nhà máy và thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt. Nguồn cung nguyên liệu thô cho các nhà máy cũng được đảm bảo đầy đủ. Các yếu tố này đã góp phần giúp cho hoạt động sản xuất diễn ra thông suốt, ngay cả trong thời gian đại dịch diễn biến phức tạp tại Thái Lan.

Giới chức Thái Lan kỳ vọng, chỉ số MPI trong lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm sẽ đạt mức tăng trưởng 4,5% trong cả năm nay, một bước tiến lớn nếu so với mức sụt giảm 11% trong quý I.

Tuy nhiên, các quan chức cũng cảnh báo, các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng với các yếu tố rủi ro từ dịch bệnh COVID-19 có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong phần còn lại của năm và tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp.

Các nước ASEAN thiếu lao động sản xuất

Các đợt bùng phát dịch vừa qua đã ảnh hưởng tới các ngành sản xuất sử dụng lao động nước ngoài dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động, do các lao động nước ngoài đã về nước, trong khi lao động mới chưa thể sang.

Tại Malaysia, tình trạng thiếu hụt lao động được ghi nhận ở ít nhất 2 ngành khai thác chế biến dầu cọ và sản xuất găng tay. Ngành dầu cọ hiện thiếu hụt khoảng 75.000 lao động, trong khi ngành sản xuất găng tay cũng cho biết thiếu hụt 25 ngàn lao động. Hai ngành này chủ yếu dựa vào lao động nước ngoài hiện đang kiến nghị chính phủ cho phép các lao động nước ngoài quay trở lại.

Với tình hình tiêm vaccine đang được cải thiện đáng kể ở nhiều nước ASEAN, triển vọng phục hồi ở các nước trong năm tới được đánh giá tích cực. Nếu giải quyết được vấn đề thiếu hụt lao động nói trên, thì sự phục hồi sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn.

Nhiều nước ASEAN “khát” lao động - Ảnh 2.

Các nước ASEAN sẽ cần thêm nhiều thời gian để khắc phục tình trạng thiếu lao động. (Ảnh minh họa - Ảnh: codeblue)

Có thể thấy rằng thiếu hụt lao động đang là vấn đề chung, mang tính nổi bật của các nước ASEAN cũng như nhiều quốc gia trên thế giới vào thời điểm hầu hết các đường biên giới vẫn đang đóng cửa và việc di chuyển từ nước này sang nước khác, thậm chí trong nội bộ một quốc gia vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Indonesia đang là bên hưởng lợi từ nhu cầu năng lượng tăng vọt trên thế giới. Các mỏ than ở Indonesia đang hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Nhiều công ty muốn mua thêm xe tải cho việc vận chuyển và khai thác than, tuy nhiên để có được một chiếc xe tải mới, họ sẽ phải đợi tới 9 tháng mới nhận được hàng do các nhà máy không có đủ lao động và cả linh kiện để sản xuất.

"Sự hồi phục ở các thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới đã làm gia tăng nhu cầu với lĩnh vực xuất khẩu của ASEAN. Tuy nhiên sự thiếu hụt lao động trong các ngành sản xuất và chế biến sẽ khiến các nước ASEAN gặp khó trong việc đáp ứng nhu cầu hiện nay", ông Rajiv Biswas, chuyên gia phân tích của Công ty IHS Markit, nhận định.

Ngành công nghiệp dầu cọ của Malaysia chiếm 1/3 thị phần toàn cầu. Malaysia đang nỗ lực khôi phục lại các nhà máy sản xuất dầu cọ, tuy nhiên nước này lại đang gặp một vấn đề khó giải quyết, đó là không tuyển được lao động. Phần lớn lao động trong ngành khai thác và chế biến dầu cọ tại Malaysia là lao động nhập cư từ Indonesia và Bangladesh, việc nước này chưa mở cửa lại biên giới với các nước trên đã khiến nguồn cung lao động trở nên hết sức thiếu hụt.

"Thiếu lao động đã khiến sản lượng dầu cọ của Malaysia trong năm 2021 bị sụt giảm và diện tích trồng cây cọ cũng không gia tăng so với năm 2020", bà Faye Loo, Công ty LMC International, cho hay.

Thái Lan cũng đang gặp vấn đề tương tự. Đại dịch đã khiến hàng trăm nghìn lao động nhập cư, chủ yếu từ Myanmar, rời bỏ Thái Lan trở về nước và khiến các nhà máy sản xuất ô tô, thiết bị điện tử và hàng gia dụng của nước này không thể hoạt động đủ công suất ngay cả khi dịch COVID-19 không còn căng thẳng như trước. Chính phủ Thái Lan đã cố gắng tuyển dụng lao động bản địa, tuy nhiên số lượng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Các nước ASEAN sẽ cần thêm nhiều thời gian để khắc phục tình trạng thiếu lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng và quay lại với nhịp sản xuất bình thường như trước đại dịch.

Hơn 20.000 lao động trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc Hơn 20.000 lao động trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc

VTV.vn - Với việc lượng lớn lao động tại các tỉnh, thành trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc, đến nay nhiều DN tại thành phố đang dần đi vào ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước