Cùng với hàng loạt các giải pháp quyết liệt gỡ khó cho thị trường bất động sản của Chính phủ trong năm 2023, việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản trong kỳ họp thứ 6 vừa qua là những yếu tố quan trọng thúc đẩy nhà đầu tư phát triển các loại hình sản phẩm nhà mà thị trường có nhu cầu thực, cũng như lấy lại một thị trường lành mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu vui, vẫn còn không ít nút thắt khiến khả năng tiếp cận nhà ở xã hội của người dân được đánh giá khó bứt phá trong ngắn hạn, ít nhất là trong năm 2024, bởi Luật Nhà ở mới tới đầu 2025 mới có hiệu lực.
Với người mua nhà ở xã hội, điều kiện cư trú, 1 trong 3 nút thắt lớn gây khó đã được tháo gỡ. Hai nút thắt còn lại là xác nhận chưa có nhà ở và thu nhập thuộc diện không đóng thuế thu nhập cá nhân… hiện vẫn theo quy trình cũ phức tạp. Người dân vẫn phải qua cục thuế các địa phương làm thủ tục xác minh.
Một trong 10 dự án nhà ở xã hội trên cả nước được triển khai trong năm 2023, có mặt bằng sạch 5 năm nay, được hưởng gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng, nhưng để bắt tay vào xây dựng được cũng phải mất 1 năm mới xong thủ tục hành chính. Vì vậy, thủ tục càng nhanh chóng, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội mới sớm đạt được.
Thủ tục càng nhanh chóng, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội mới sớm đạt được. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
"Để phát triển ngay và sử dụng ngay cái nguồn vốn 120.000 tỷ thì đòi hỏi doanh nghiệp phải có sẵn các nguồn đất, nên giao cho các địa phương giải phóng mặt bằng sẵn, sau đó chúng ta có thể đấu thầu hoặc giao chủ đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp có năng lực để chúng ta phát triển ngay các dự án nhà ở xã hội", ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư Nhà ở và Đô thị, cho biết.
"Các doanh nghiệp phải tính toán trong thời gian từ nay tới khi nào thị trường phục hồi hẳn. Mình phải có phương án, dự phòng tất cả các tình huống. Mục tiêu là 1 triệu căn nhà ở xã hội nên đưa vào chỉ tiêu quy hoạch cho từng địa phương, từng tỉnh, căn cứ vào nhu cầu thực của mỗi địa phương và thành ra một kế hoạch về quỹ đất, kế hoạch về sử dụng đất ", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nhận định.
Với hàng chục công điện đốc thúc các tỉnh, thành, nhiều giải pháp đồng bộ gỡ khó cho thị trường bất động sản đã được triển khai và hiện đã có 20 tỉnh, thành công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay gói 120.000 tỷ với nhu câu vay vốn là trên 25.800 tỷ đồng. Bài toán hiện nay với các tỉnh, thành đó là làm sao gỡ nốt các nút thắt về cơ chế, thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng đất sạch… để các doanh nghiệp có thêm trợ lực, nhanh chóng cân bằng cung cầu phân khúc nhà giá rẻ, nhà ở xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!