Nhãn mác của lô lưỡi cưa nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc dù không ghi Made in Việt Nam nhưng lại ghi dòng chữ hàng Việt Nam chất lượng cao. Trong khi đó, một lô hàng nồi cơm điện nguyên chiếc khác, cũng được nhập khẩu chính ngạch từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị, toàn bộ thông tin từ bao bì cho đến sản phẩm đều được in bằng tiếng Việt.
Theo đại diện Chi cục Hải quan Hữu Nghị, Lạng Sơn, dù 2 trường hợp trên đều không sai so với quy định hiện hành, nhưng lại dễ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn là sản phẩm trong nước.
Theo quy định hiện nay về nhãn hàng hóa, với hàng hóa khi nhập khẩu, doanh nghiệp không phải ghi xuất xứ hàng hóa trên sản phẩm. Việc xử lý về hành vi gian lận giả mạo xuất xứ chỉ được thực hiện khi hàng hóa lưu thông trên thị trường. Vì vậy, thực tế, không ít doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật, nhập khẩu nguyên chiếc sản phẩm hàng hóa, trên tờ khai khai báo xuất xứ ở bên kia biên giới. Còn thông tin về xuất xứ trên sản phẩm thì để trống. Đến khi đưa về thị trường trong nước, các sản phẩm mới được dán nhãn mác sản xuất tại Việt Nam. Vì vậy, cơ quan hải quan cũng không có căn cứ để xử lý.
Theo chỉ đạo của Tổng cục Hải Quan, trước mắt lực lượng hải quan kiểm soát tại cửa khẩu cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát; tập hợp thông tin, khoanh vùng các doanh nghiệp đang xuất nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài thường xuyên sử dụng các thông tin bằng tiếng Việt để nghiên cứu quản lý rủi ro. Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa qua luồng xanh và luồng vàng cũng không ngoại lệ.
Trước thực tế đang diễn ra hiện nay, phía Tổng cục Hải quan đã có đề xuất kiến nghị Bộ Công Thương sớm có nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung đầy đủ quy định về việc ghi nhãn đối với hàng hóa nhập khẩu để cơ quan hải quan có căn cứ kiểm soát, xử lý vi phạm khi phát hiện những lô hàng có dấu hiệu gian lận xuất xứ hàng hóa ngay từ cửa khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!