Vừa qua, TEDI - đơn vị tư vấn của Bộ GTVT - đã đưa ra báo cáo cuối kỳ về phương án tiền khả thi cho dự án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao. Với tổng mức đầu tư trên 58 tỷ USD, phương án phân kỳ đầu tư (chia cả dự án thành nhiều giai đoạn đầu tư nhỏ) nhằm giảm áp lực vốn được cho là phù hợp. Tuy nhiên, cách thức phân kỳ mà đơn vị tư vấn đưa ra vẫn còn nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia.
Theo tư vấn, phương án phân kỳ đầu tư được triển khai theo cách thức bổ ngang. Giai đoạn 1, đến năm 2030 sẽ đầu tư hoàn thiện 2 đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang, cho tàu chạy với tốc độ 320km/h; 20 năm tiếp theo sẽ đầu tư nốt đoạn Vinh - Nha Trang còn lại.
Một phương án khác là phân kỳ theo kiểu bổ dọc, tức là sẽ đầu tư hạ tầng đường ray toàn tuyến từ Bắc vào Nam. 10 năm đầu sẽ cho khai thác tốc độ 150 km/h và dần dần nâng lên 320km/h trong 10 năm tiếp theo. Theo GS Lã Ngọc Khuê, phương án này có mức vốn đầu tư tương đương với đơn vị tư vấn đưa ra.
Tuy nhiên, tranh luận lại với ý kiến của chuyên gia, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, nếu xong giai đoạn 1 cho chạy tàu 150km/h, thì khi nâng lên tốc độ cao, các đoàn tàu cũ sẽ không biết giải quyết ra sao.
Thêm vào đó, theo dự kiến giá vé khai thác sẽ bằng khoảng 75% giá vé máy bay, trong khi chi phí vận hành lại cao hơn. Do đó, theo các chuyên gia, cần tính toán kỹ tính cạnh tranh với các loại hình vận tải, đặc biệt trên các đoạn ngắn như Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp của chuyên gia để có những điều chỉnh cho phương án tiền khả thi, dự kiến sẽ trình Chính phủ vào cuối năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!