Trong đó tiêu thụ trong nước là khoảng 15.000 tấn, thông qua các hệ thống chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, các sàn thương mại điện tử và hệ thống bán buôn, bán lẻ.
Còn sản lượng vải xuất khẩu là gần 21.000 tấn chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, một phần nhỏ sang Nhật Bản, Mỹ, các nước EU. Nhiều các hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động kết nối cung cầu đã được địa phương triển khai để quả vải có thể đi xa và nông dân trong tỉnh có thu nhập ổn định.
Lục Ngạn những ngày này nhộn nhịp thương lái thu mua vải. Từ cuối tuần trước, các thương nhân Trung Quốc đã trực tiếp sang lựa vải, giúp giá cả vải đầu mùa ổn định hơn.
"Mấy hôm nay lên được 4.000 - 5.000 đồng/kg vải. Hàng bình thường có giá 11.000 - 12.000 đồng, nay lên được 18.000 - 20.000 đồng. Người dân phấn khởi", chị Trần Thị Đoan, thương lái, chia sẻ.
Lục Ngạn những ngày này nhộn nhịp thương lái thu mua vải. (Ảnh: TTXVN)
Tính đến thời điểm này, tỉnh Bắc Giang đã ký kết tiêu thụ hơn 600 tấn vải cho các nhà phân phối bán lẻ. Hàng ngày, các xe lạnh luôn sẵn sàng đưa những trái vải đến các siêu thị miền Bắc trong 24 tiếng, đến miền Nam trong 48 tiếng. Các kênh tiêu thụ khác cũng đang được tận dụng tối đa để mang quả vải Bắc Giang đến gần hơn với người tiêu dùng.
Năm nay là năm đầu tiên vải thiều Bắc Giang xuất khẩu bằng đường sắt qua ga liên vận quốc tế Kép. Dự kiến trung bình mỗi ngày 300 tấn vải có thể được vận chuyển từ ga Kép sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). Việc vận chuyển bằng đường sắt sẽ giúp thời gian di chuyển nhanh hơn, nhờ đó chất lượng quả vải sẽ được đảm bảo hơn.
Giải pháp nâng cao giá trị vải thiều
Những tín hiệu tích cực của xuất khẩu vải thiều cho thấy những sự chủ động tăng cường xúc tiến tiêu thụ của tỉnh Bắc Giang. Đây cũng là lời giải cho bài toán áp lực mùa vụ đối với nông sản. Cùng với nâng cao chất lượng trái vải tươi, địa phương cũng tăng cường chế biến, bảo quản. Từ đó, giá trị vải thiều ngày càng được nâng cao.
Mỗi ngày có khoảng 5 tấn vải tươi được hợp tác xã Hồng Xuân bán ra thị trường. Nhờ trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP, vải được đưa vào các hệ thống siêu thị, vì vậy giá luôn ổn định từ đầu đến cuối vụ, không phải chịu cảnh bị thương lái ép giá.
"Người ta sẽ đưa cho mình một cái giá nhất định, bà con yên tâm thu hoạch và bán cho các đại lý để cung cấp cho siêu thị, hai nữa là ổn định về thời gian, mình có thời gian để thu hoạch, đóng gói", ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Hồng Xuân, Lục Ngạn, Bắc Giang, cho biết.
Còn tại nhà máy của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu, mỗi ngày thu mua khoảng 80 - 100 tấn vải, trong đó 10% được xuất khẩu sang thị trường cao cấp, 90% được đưa vào chế biến thành các sản phẩm vải đóng hộp, nước ép vải, vải đông lạnh.
Mỗi vụ vải chỉ kéo dài từ 30 - 45 ngày. Việc đưa vào chế biến sẽ giúp kéo dài mùa vụ, giảm áp lực tiêu thụ quả tươi. Năm nay địa phương tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đưa công nghệ cao vào chế biến, triển khai nhiều hình thức chế biến để kéo dài thời gian bảo quản.
Nhìn từ những vụ vải trước, có thể thấy việc tăng cường chế biến chính là giải pháp hiệu quả để trái cây Việt Nam vượt qua được áp lực mùa vụ và có thể ghi tên ngày càng rộng rãi trên bản đồ trái cây của thế giới. Mới đây, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, dự kiến ngày 13/6, những lô vải đầu tiên của Bắc Giang sẽ có mặt ở thị trường Nhật Bản, Thái Lan, Singapore.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!