Tín dụng tăng trưởng cao
Từ đầu năm đến nay, kinh tế Việt Nam đã đi vào một giai đoạn phục hồi sau COVID-19. Các doanh nghiệp đang dần dần trở lại sản xuất, kinh doanh. Quá trình này có sự hỗ trợ mạnh mẽ của nguồn tín dụng từ phía các ngân hàng.
Vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã công bố con số 8,16% - mức tăng trưởng tín dụng tính đến giữa tháng 6. Mức tăng cao cho thấy nhu cầu vay vốn đang tăng lên nhanh chóng, khi người dân, doanh nghiệp cần vốn để khôi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch.
Tuy nhiên trong điều kiện hậu dịch bệnh nguồn cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và căng thẳng địa chính trị đẩy chi phí tăng cao, khiến doanh nghiệp muốn duy trì sản xuất cũng sẽ phải cần nhiều vốn hơn. Ví dụ nếu trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp chỉ cần vay 1 đồng để thu mua nguyên vật liệu, nay phải vay nhiều hơn 1 đồng tức là vốn để đầu tư cho sản xuất phải tăng lên, đẩy nhu cầu tín dụng tăng cao.
Nhu cầu vay vốn đang tăng lên nhanh chóng. Ảnh minh họa.
Tại thời điểm này có thể nói vốn ngân hàng là có lẽ là phương án khả thi và dồi dào nhất. Nhiều ngân hàng đang rất sẵn sàng cho vay với những dự án có hiệu quả. Thống kê gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dòng vốn vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán đề bị kiểm soát bởi các quy định về an toàn vốn. Còn vốn cho vay sản xuất kinh doanh hay xuất khẩu, nông nghiệp vẫn chiếm gần 80%.
Nhiều ngành nghề đang cần vốn để tăng tốc phục hồi sau dịch, trong đó du lịch, vận tải kho bãi, hay xuất khẩu, nông nghiệp... đang là nhóm được các ngân hàng ưu tiên tín dụng.
Hiện nhiều ngân hàng đã gần hết hạn mức tín dụng và đang có đề xuất được nới room tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ xem xét điều chỉnh hạn mức tín dụng phù hợp với các cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên các ngân hàng được nới room ra sao phụ thuộc vào khả năng của từng tổ chức tín dụng, vẫn phải đảm bảo các quy định về an toàn vốn, quản lý rủi ro nghiêm ngặt.
Nhiều ngân hàng được phê duyệt mức lãi suất hỗ trợ 2%/năm
Để tạo lực cho các doanh nghiệp có thể phục hồi và tăng trưởng, ngoài nguồn vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tổng quy mô của gói này khoảng 40 nghìn tỷ đồng.
Đây được đánh giá là chủ chương rất phù hợp trong điều kiện hiện tại khi nó chạm đúng nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Có thể nói rất nhiều doanh nghiệp đã và rất mong chờ được tiếp cận dòng vốn này.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước có thông tư hướng dẫn về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước theo Nghị định 31 của Chính phủ, nhiều ngân hàng thương mại đã bắt đầu được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt mức hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Ngân hàng VietinBank cho biết, khoảng 30% tổng quy mô tín dụng của ngân hàng thuộc nhóm có thể được giảm lãi suất theo Nghị định 31. Do đó, ngân hàng này được dành 7.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất trong năm nay và năm sau.
Để cấp vốn hỗ trợ kịp thời, Ngân hàng BIDV đã rà soát, xây dựng chương trình phần mềm, thực hiện quy trình nội bộ trên toàn hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch. Đồng thời, rà soát các nhóm khách hàng trong các lĩnh vực đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất.
Vốn tín dụng vẫn đang là nguồn tài trợ chủ yếu cho các doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
Có khoảng 11 lĩnh vực ngành nghề được hỗ trợ, chủ yếu là hàng không, vận tải kho bãi, du lịch , nông nghiệp.... Các chuyên gia lưu ý, đối tượng thuộc nhóm được ưu đãi nhiều nhưng với quy mô 40.000 tỷ đồng thì gói này ước tính chỉ hỗ trợ được khoảng 10% tổng dư nợ tín dụng. Do đó, các ngân hàng phải cân đối, rà soát kĩ để kịp tiến độ.
"Thời gian thực hiện có 2 năm, nếu cuối năm tới mà không hết sẽ không được gia hạn nên các tổ chức tín dụng cũng như doanh nghiệp cần tranh thủ thời gian", ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho hay.
Vốn đến từ các nguồn khác
Vốn tín dụng vẫn đang là nguồn tài trợ chủ yếu cho các doanh nghiệp. Song ngoài ra vốn cũng có thể đến từ các nguồn khác nữa như qua các quỹ tín dụng, tổ hợp tác xã. Hộ chăn nuôi bò sữa tại Mộc Châu là một ví dụ.
Với giá mỗi con bò giống khoảng 70 triệu đồng, chưa kể chi phí chăn nuôi thì để có thể làm chủ trang trại nuôi hàng chục hay hàng trăm con bò, các hộ nông dân đã dựa vào nguồn vốn vay từ các công ty sữa. Họ gọi đó là "mối quan hệ hữu cơ", cùng nhau nuôi dưỡng ước mơ về một thiên đường sữa.
Có vốn chăn nuôi, lại có đầu ra, nhiều hộ nông dân tại Mộc Châu đã mạnh dạn mở rộng quy mô chuồng trại cũng chính từ nguồn vốn vay từ công ty đối tác.
Hàng trăm triệu đồng vốn vay còn được các hộ gia đình dùng để trang bị hệ thống vắt sữa tự động, điều này không chỉ đảm bảo an toàn thực phẩm, tiết kiệm thời gian mà còn giảm hao hụt 1 lít sữa/ con bò, từ đó giá trị kinh tế cũng tăng theo.
Về phía công ty sữa, họ gọi đây là "mối quan hệ hữu cơ" - cùng có lợi. Nông dân có vốn chăn nuôi - còn công ty có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng. Chính nhờ những đồng vốn ưu đãi từ doanh nghiệp mà ngày càng có nhiều người dân ở Mộc Châu tham gia chăn nuôi bò sữa hơn, từ đó kinh tế gia đình được cải thiện hơn.
Các nhu cầu vốn giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu đều được đáp ứng. Nhờ vậy mà không ít doanh nghiệp đã chiếm lĩnh được các thị trường xuất khẩu mới. Do vậy các ý kiến cho rằng vốn cho doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tăng trưởng và không đánh mất các cơ hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!