Nỗ lực tăng trưởng sau bão, lũ

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 19/09/2024 21:13 GMT+7

VTV.vn - Sau những thiệt hại do mưa bão, yêu cầu giải ngân đầu tư công lại càng trở nên cấp thiết ở cả những địa phương, lĩnh vực chịu ảnh hưởng cũng như đối với cả nền kinh tế.

Bão số 3 làm giảm tăng trưởng GDP 0,15 điểm %

Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua. Cơn bão đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP cả năm có thể giảm khoảng 0,15 điểm % do thiệt hại của cơn bão số 3. Ở góc độ kinh tế, khoảng 240.000 căn nhà đã bị sập đổ, hư hại; hơn 300.000 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị ngập úng, gãy đổ; gần 3 triệu con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. 26 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão lũ là khu vực chiếm đến 41% GDP và 40% dân số cả nước. Những thiệt hại do bão đặt ra thách thức rất lớn về tốc độ tăng trưởng từ nay tới cuối năm.

2.600 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản đang bắt đầu lại từ con số 0. Quảng Ninh có số lồng bè thuỷ sản bị hư hỏng lớn nhất cả nước. Đây cũng là địa phương chịu thiệt hại kinh tế lớn nhất lên tới 24.000 tỷ đồng.

Ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Mặc dù nó sẽ không đạt theo kịch bản của chúng tôi đề ra nhưng chúng tôi cũng mong muốn giữ vững đà tăng trưởng hai con số. Nếu như năm nay chúng tôi giữ vững đà tăng trưởng hai con số thì là năm thứ 10 liên tiếp Quảng Ninh tăng trưởng hai con số. Các doanh nghiệp FDI của Quảng Ninh cũng đã hoạt động trở lại và 100% các cơ sở sản xuất của ngành than cũng đã hoạt động trở lại".

Đứng thứ hai về giá trị thiệt hại kinh tế là Hải Phòng, với gần 11.000 tỷ đồng, bằng 1/10 tổng thu ngân sách năm ngoái của Thành phố. Các nhà máy hiện vừa sửa chữa vừa sản xuất, 100% cảng biển trên địa bàn cũng hoạt động trở lại. Trên cả nước, mức thiệt hại về tài sản ước tính chưa đầy đủ vào khoảng 50.000 tỷ đồng.

Chịu ảnh hưởng đến đến tốc độ tăng trưởng chung của cả năm nay theo tính toán của Tổng cục Thống kê như Quảng Ninh có thể bị giảm 0,65 điểm %; Hải Phòng hay Lào Cai giảm 0,63 điểm %; một số địa phương có mức giảm từ 0,5- dưới 0,6 điểm % như Thái Nguyên, Yên Bái, Cao Bằng; Tuyên Quang. Còn tính chung trên cả nước thì đợt bão lũ vừa qua có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong quý III với mức giảm vào khoảng 0,35 điểm % và quý IV sẽ là 0,22 điểm %.

Ông Lê Trung Hiếu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nêu nhận định: "GDP của cả nước do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu sau bão sẽ bị giảm khoảng 0,15 điểm %, trong đó, nhiều nhất là khu vực Nông lâm nghiệp thủy sản giảm 0,33 điểm %; tiếp theo là khu vực dịch vụ giảm khoảng 0,22 điểm % và khu vực Công nghiệp xây dựng giảm 0,05 điểm %".

Hệ thống kết cấu hạ tầng đường xá sẽ tốn nhiều thời gian nhất để sửa chữa. Theo Bộ Giao thông Vận tải, có gần 4.200 vị trí cần phải khắc phục, với mức tiêu tốn khoảng 2.900 tỷ đồng.

Nỗ lực tăng trưởng sau bão, lũ - Ảnh 1.

Sau những thiệt hại do mưa bão, yêu cầu giải ngân đầu tư công lại càng trở nên cấp thiết

Giải pháp giữ vững đà tăng trưởng

Có thể nói chúng ta đã có một khởi đầu lạc quan từ đầu năm đến tháng 9 với kỳ vọng đạt mức tăng trưởng là 7%. Tuy nhiên, sự tàn phá của cơn bão số 3 đã tác động nặng nề đến nền kinh tế. Điều này sẽ kéo giảm đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Ước tính có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 0,15 điểm %. Nhưng theo Tổng cục Thống kê, mức này vẫn nằm trong kịch bản dự liệu tăng trưởng từ 6,8-7%.

Sau những thiệt hại do mưa bão, yêu cầu giải ngân đầu tư công lại càng trở nên cấp thiết ở cả những địa phương, lĩnh vực chịu ảnh hưởng cũng như đối với cả nền kinh tế.

Nước rút đến đâu, tổ chức lại thi công đến đó. Tinh thần này được lan toả đến tất cả các dự án đầu tư công trên cả nước. Tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ tăng nhanh trong các tháng cuối năm.

Ông Đào Ngọc Huấn - Chỉ huy thi công, Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam chia sẻ: "Huy động 100% máy thiết bị cũng như nhân lực để bù lại tiến độ thi công đạt khoảng 35 -40% sản lượng để đảm bảo tiến độ".

Nguồn lực đầu tư công sẽ giúp khôi phục và cũng sẽ tạo sức lan tỏa, thúc đẩy liên kết vùng và mở rộng chuỗi cung ứng, từ đó làm nền tảng cho đà tăng trưởng nhanh, vững chắc của nền kinh tế. Còn trước mắt, để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng, bài toán từ nay đến cuối năm là sẽ phải bù đắp lại thiệt hại 0,15 % điểm tăng trưởng GDP do ảnh hưởng của mưa bão. Điều này sẽ phụ thuộc rất lớn vào cỗ xe tam mã gồm ba động lực tăng trưởng chính: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Theo các tổ chức quốc tế, việc đạt được kịch bản tăng trưởng cao hoàn toàn có cơ sở dựa trên thống kê 8 tháng qua. Xuất khẩu tăng mạnh, nhất là lĩnh vực chế biến chế tạo, kéo theo sản lượng sản xuất công nghiệp tăng cao, đóng góp đến ¼ tăng trưởng GDP. Còn nhà đầu tư nước ngoài tăng giải ngân vốn FDI với mức cao nhất trong 5 năm qua.

Ông Jonathan Pincus - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhận định: "Triển vọng nhất lúc này là động lực xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài cải thiện cùng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ của các quốc gia. Đây là yếu tố rất quan trọng chi phối đối sản xuất công nghiệp, đầu tư trong thời gian tới".

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143 với 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Các nguồn lực, chính sách sẽ được ưu tiên cho phục hồi, tái thiết và đảm bảo không lỡ đà tăng trưởng.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu ý kiến: "Ở góc độ tiếp cận chính sách tài khoá tại thời điểm này, đó là tập trung vào các công cụ chi ngân sách để bảo đảm chi ngân sách, kể cả đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào tăng trưởng của kinh tế. Trên cơ sở đó, quy mô của nền kinh tế gia tăng, hoạt động kinh tế phục hồi tích cực hơn".

Việc Chính phủ nhanh chóng ra Nghị quyết số 143 là rất "đúng" và "trúng" để giúp các doanh nghiệp sớm phục hồi, tái thiết sản xuất, thực hiện các mục tiêu kinh tế đã đề ra. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cả năm nay ở mức khoảng 7%, giữ mục tiêu cao, để nỗ lực lớn hơn, quyết tâm mạnh mẽ hơn để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước