Tuần qua, Shopee ký kết hợp tác chiến lược với 2 đơn vị bất động sản công nghiệp và logistics để phát triển kho vận. Tháng trước, Tiki cũng ký kết với Unidepot để mở rộng hệ thống kho. Lazada đã không tiếc tiền phát triển kho vận từ khá sớm. Rõ ràng, các sàn thương mại điện tử đang chạy đua để hoàn thiện hệ thống cung ứng kho vận hậu cần khi cuộc cạnh tranh giữa các chợ mạng ngày càng gay gắt.
Để giành được thị phần, kéo khách hàng về phía mình, các trang thương mại điện tử phải bỏ ra chi phí cho rất nhiều khoản như chi để giảm một phần giá bán hàng, khuyến mại, hỗ trợ người bán, quảng cáo các chiến dịch... Bên cạnh đó, các khoản lớn nhất là các khoản đầu tư dài hạn vào công nghệ hay hệ thống kho vận, hậu cần. Không chỉ đầu tư mặt bằng kho, quan trọng hơn, cần ứng dụng công nghệ tự động hóa kho vận. Hệ thống kho có tối ưu thì thời gian giao hàng mới được rút ngắn, chi phí mới giảm.
Lazada cho biết, việc áp dụng công nghệ đã giúp tiết kiệm thời gian vận hành đến 50%. Ngoài ra, việc đổ hàng nghìn tỷ đồng đầu tư không chỉ một và cả một hệ sinh thái từ kho hàng, phân loại, giao vận hay mới nhất là các điểm nhận hàng cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian cho chính người dùng.
Đại diện Tiki cũng lý giải, con số lỗ lũy kế hơn 1.300 tỷ đồng hiện nay của hãng đều là những khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hệ thống vận hành, kho bãi. Thực tế, đây là doanh nghiệp thương mại điện tử có tốc độ mở rộng kho bãi nhanh nhất trong những năm gần đây. Hiện lên đến 10 fulfillment center - trung tâm xử lý hàng hóa, với tổng diện tích 60.000 m2 ở 6 tỉnh thành. Nhiều gấp 30 lần so với diện tích vào 6 năm trước đó.
Trước các bước tăng tốc của đối thủ, một "ông lớn" thương mại điện tử khác là Shopee đã không thể ngồi yên khi vừa bắt tay với 2 đối tác lớn để xây dựng trung tâm xử lý hàng hóa thứ ba tại Việt Nam. Giá trị đầu tư không được tiết lộ, nhưng sẽ không ít hơn con số chục triệu USD. Một trong các đối tác là Best, nhà cung cấp dịch vụ logistics thông minh hàng đầu Trung Quốc...
Giới thương mại điện tử cho rằng, hiện chi phí logistics trên mỗi đơn hàng ở Việt Nam có thể lên đến 25%, vẫn ở mức cao so khu vực. Do đó, cuộc chạy đua đầu tư vào kho vận chỉ mới bắt đầu. Các doanh nghiệp thương mại điện tử đầu ngành cũng không giấu giếm ý định tiếp tục mở rộng quy mô kho bãi từ đây đến 3 năm tới. Chẳng hạn như Tiki đặt kế hoạch đến hết năm 2020 sẽ có 200.000 m2 trung tâm xử lý hàng hóa, cao hơn 3 lần so với hiện nay.
Những khuyến mại, giảm giá có thể lôi kéo được khách hàng ngay tức thời nhưng để giữ được khách hàng thì vẫn phải ở trải nghiệm của họ về tốc độ giao hàng, chất lượng hàng. Xem ra việc "đốt" tiền cho quảng cáo chỉ có tác dụng trong chớp mắt, còn "đốt" tiền cho đầu tư kho vận mới có tác dụng lâu dài, khẳng định vị thế của các trang thương mại điện tử.
Amazon đầu tư các công ty kho vận VTV.vn - Amazon đã lên kế hoạch giúp các doanh nghiệp nhỏ sử dụng xe tải thương hiệu của Amazon Prime để chuyển hàng đến tận cửa của người tiêu dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!