Nông nghiệp bứt phá trong quý 1
Ba tháng đầu năm nay đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với kim ngạch đạt trên 12,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2021 và vượt xa mục tiêu đã đề ra tới 2,1 tỷ USD.
Bên cạnh việc sản xuất, chế biến thủy sản gần như đã nhanh chóng phục hồi trở lại như trước dịch, kết quả khả quan trên còn do các doanh nghiệp đã tận dụng tốt những ưu đãi, lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do trong đó có EVFTA mang lại để đưa hàng tới những thị trường có sức tiêu thụ và giá cả cao.
Doanh nghiệp chế biến tôm tại thủ phủ Bạc Liêu đã tất bật sản xuất ngay từ những tháng đầu của năm. Đơn vị rất tự tin vào sự phục hồi của thị trưởng năm nay khi sớm ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu tôm có giá trị lớn.
Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản quý vừa qua đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Hiện công ty đã ký được khoảng 80% công suất của toàn năm 2022. Mình đón nhận cơ hội đó để đầu tư thêm nhà máy với dây chuyền công nghệ chế biến sâu", ông Trần Văn Diệu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thái Minh Long, cho biết.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm năm nay dự kiến đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Cá tra tiếp tục là mặt hàng chiếm ưu thế với dự báo tăng trưởng khoảng 20 - 22%. Bên cạnh những tác động tiêu cực từ dịch bệnh và cuộc xung đột Nga - Ukraine, cơ hội cho mặt hàng cá tra cũng được mở ra.
"Rõ ràng nguồn cung cá thịt trắng từ Nga đến các nước khác sẽ bị giảm, chúng tôi đánh giá đó là cơ hội đối với mặt hàng cá tra của chúng ta mà chúng ta đang cố gắng, nỗ lực tại các tỉnh ĐBSCL để duy trì nguồn cung này", Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam cho hay.
Năm nay cũng là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam khai thác tối đa những ưu đãi, lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại để nâng cao thị phần xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ sang thị trường EU.
Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ đầu năm nay, với thị trường 2,2 tỷ người tiêu dùng cũng đang được các Hiệp hội gỗ tận dụng.
Cùng với chủ động thích ứng linh hoạt, các doanh nghiệp cũng tập trung đẩy mạnh chế biến, tăng giá trị gia tăng của ngành hàng, đặc biệt là chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi theo hướng quy mô hơn, chất lượng hơn.
Trong quý 1, ngoài lâm sản, thủy sản, các mặt hàng chủ lực như cà phê, gạo, hạt tiêu… đều tăng về giá trị xuất khẩu. Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản quý vừa qua đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Có thể thấy việc nâng cao chất lượng nông sản, thay đổi từ số lượng sang lấy giá trị làm đích đến đang trở thành kim chỉ nam cho ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp lạc quan với mục tiêu xuất khẩu 50 tỷ USD
Trong 3 tháng đầu năm, mặt hàng cà phê đã bứt phá với mức tăng trưởng xuất khẩu trên 50%, mang về kim ngạch khoảng 1,2 tỷ USD. Đức, Bỉ và Italy 3 thị trường tiêu thụ chính cà phê của Việt Nam. Đây là nỗ lực của cả doanh nghiệp và người trồng trong việc nâng cao chất lượng, tận dụng tốt cơ hội do hiệp định thương mại tự do EVFTA mang lại.
"Thay đổi văn hóa hái cà phê, đưa những kiến thức hỗ trợ giúp cho họ, kể cả những khâu sơ chế. Mình thúc đẩy cho họ, họ có thể làm được những việc như thế này", ông Nguyễn Hải Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên, chia sẻ.
"Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ khác đi, chúng ta phải kích hoạt cả chuỗi ngành hàng cà phê và có sự liên kết giữa các tỉnh của vùng Tây Nguyên để tạo ra quy mô lớn hơn", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định.
Xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Tương tự cà phê, xuất khẩu gạo cũng tăng trưởng tích cực, khi 3 tháng đầu năm mang về hơn 715 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng gần 11% về giá trị so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp không chỉ mạnh dạn đầu tư hệ thống kho chứa, nhà máy hiện đại, mà còn liên kết với các địa phương, xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao, chuyên xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu.
Tổng giá trị xuất khẩu quý 1 của toàn ngành nông nghiệp đạt 12,8 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Với kết quả bước đầu này, ngành nông nghiệp cho rằng mục tiêu xuất khẩu đạt 50 tỷ USD Chính phủ đặt ra hoàn toàn khả thi.
"Từ nay tới cuối năm, thị trường còn nhiều biến động, nhưng chúng ta sẽ tận dụng tối đa phát triển các ngành hàng như lâm sản, thủy sản, rau quả, các sản phẩm chế biến sâu, bởi các sản phẩm chế biến hiện cũng chiếm tỷ trọng 35% trong cơ cấu sản phẩm. Tôi tin rằng từ nay đến cuối năm, cùng với sự sáng tạo của các ngành hàng, con số chúng ta chinh phục được, kết quả 50 tỷ là hoàn toàn khả thi", ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu 50 tỷ USD xuất khẩu trong năm nay, ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là xu hướng giá nguyên liệu đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao trên thế giới. Việc xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn đang gặp khó do phía bạn thực hiện chính sách Zero COVID-19 và áp dụng các quy định kiểm soát nông sản mới. Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư chế biến sâu và chủ động nguồn nguyên liệu để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt trên thị trường xuất khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!