Thị trường EU vốn là thị trường lớn thứ 3 của các mặt hàng nông sản Việt Nam. Sau 9 tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 giá trị xuất khẩu vào thị trường này đạt 2,83 tỷ USD giảm nhẹ so với năm 2019.
Tuy nhiên, EVFTA vừa đi vào thực thi hồi tháng 8 đã tạo một mặt bằng cạnh tranh rất lợi thế cho sản phẩm nông sản Việt Nam tại EU và nó được coi là động lực để kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản sẽ thực sự bức phá vào quý IV.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các doanh nghiệp tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm nông sản. Ảnh minh họa - Dân trí.
Ngay sau khi EVFTA được thực thi, chanh leo cô đặc chịu thuế 8% xuống 0%, dứa chịu thuế 13% về 0%, chuối chịu thuế 5% về 0%... Theo nhiều doanh nghiệp, do có sự chủ động chuẩn bị từ sớm từ vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở, dây truyền chế biến từ trước nên doanh nghiệp được hưởng lợi ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Đặc biệt từ nay đến cuối năm, nhiều doanh nghiệp đã kín đơn hàng.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng hàng không đủ chất lượng cũng được xuất đi, dẫn đến thực tế hàng bị khách trả về, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các doanh nghiệp tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm nông sản.
Xuất khẩu nông sản sẽ bứt phá nhờ EVFTA. Ảnh minh họa - Dân trí.
"Bộ cùng với địa phương và doanh nghiệp tạo điều kiện đảm bảo duy trì tất cả tiêu chuẩn, quy chuẩn từ khâu tổ chức sản xuất, vật tư đầu vào, mã số vùng trồng, vùng nuôi… đảm bảo chặt chẽ trong chuỗi giá trị", ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói.
Mục tiêu từ nay đến cuối năm, giá trị xuất khẩu vào EU đạt 3,2 - 3,5 tỷ USD. Gạo, rau quả, tôm, gỗ, cà phê… được coi là những mặt hàng tiếp tục tạo đột phá vào EU trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!