Nông sản Việt khó tìm chỗ đứng vững nếu mãi sản xuất thô

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 12/07/2018 10:14 GMT+7

VTV.vn - Xuất khẩu cà phê Việt Nam hiện nay chủ yếu là xuất thô. Điều này cho thấy cà phê nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung khó tìm được chỗ đứng vững nếu mãi sản xuất thô.

Là một trong những cường quốc xuất khẩu cà phê, nhưng 90% lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện nay là xuất thô. Xuất thô quá lớn, thiếu sản phẩm chế biến sâu, khiến giá sản phẩm phụ thuộc lớn vào thương lái và dễ bị ép giá nếu nguồn cung tăng. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm theo.

Con số được báo Công Thương đưa ra cho thấy cà phê nói riêng và nông sản của Việt Nam nói chung khó có thể tìm được chỗ đứng vững chắc nếu cứ mãi sản xuất thô. Đáng ngại hơn, xuất thô khiến cà phê Việt không có thương hiệu, thậm chí có thể trở thành nguyên liệu của nhiều nước. Họ thu mua cà phê Việt về chế biến sâu và tái xuất lại tiêu thụ ở Việt Nam.

Cách thức này cũng khiến thị phần của các DN Việt bị thu hẹp ngay chính trên sân nhà. Thời báo kinh doanh chỉ rõ, với làn sóng đổ bộ của hàng ngoại, hàng Việt phải chịu cạnh tranh rất gay gắt, đặc biệt là rất khó chen chân vào hệ thống bán lẻ hiện đại. Cứ 10 DN sản xuất, mới có 1 DN có khả năng đưa được hàng vào siêu thị ngoại. Con số cho thấy cánh cửa thị trường với DN nội đang hẹp như thế nào.

Đại diện Tổng cục Thuế chia sẻ, để vào được một siêu thị nước ngoài, hàng Việt phải chịu mức chiết khấu "cứng" là 18%, và "mềm" là 12%. Tổng cộng, để hàng Việt lên kệ siêu thị, DN phải mất tới 30% chiết khấu. Chiết khấu lớn, đẩy chi phí hàng hóa lên cao khiến DN Việt bị đánh bật ra khỏi hệ thống phân phối.

Tuy nhiên, một nguyên nhân sâu xa hơn là do Việt Nam thiếu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao khiến cho hàng hóa sản xuất ra không đảm bảo chất lượng cạnh tranh.

Nguy cơ "mất sân nhà" càng gần hơn trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cảnh báo, một khi hàng hóa Trung Quốc khó vào Mỹ sẽ tìm đường sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Hàng hóa Trung Quốc "chất lượng Mỹ" có nguy cơ sẽ ăn dần miếng bánh thị phần của hàng Việt.

Để không mất chỗ đứng trên sân nhà, Bộ Công Thương nhấn mạnh cần tăng cường liên kết chuỗi, giữa DN bán lẻ với các nhà sản xuất nhằm tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, bảo đảm chất lượng; từ đó, cung ứng cho các cơ sở bán lẻ nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng cùng loại nhập khẩu. Đồng thời, hệ thống bán lẻ cũng phải đi bằng "hai chân", có nghĩa không để các nhà bán lẻ nước ngoài chiếm phần lớn các kênh phân phối, mà phải phát triển song song cả hệ thống phân phối trong nước.

Nông sản Việt Nam được ví như 'gái quê danh giá' Nông sản Việt Nam được ví như "gái quê danh giá"

VTV.vn - Việt Nam có nhiều nông sản ngon, được ví như "gái quê danh giá" nhưng không biết tiếp thị, quảng bá để chủ động bán ra thị trường mà bị động, chờ thương lái đến mua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước