Logo công ty của gã khổng lồ viễn thông Nhật Bản Nippon Telegraph & Telephone, (NTT). (Ảnh: AP)
Chính sách hạ giá cước điện thoại đã được tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide ủng hộ khi còn đương nhiệm cương vị Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản. Chính sách này càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi ông Suga trở thành thủ tướng. Các công ty viễn thông lớn của Nhật Bản đang đẩy nhanh kế hoạch đáp ứng yêu cầu hạ giá cước viễn thông từ chính phủ.
Theo báo Nikkei, tập đoàn công nghệ NTT của Nhật Bản sẽ bỏ ra số tiền khổng lồ lên tới 4.000 tỷ Yen (tương đương 38 tỷ USD) để mua lại toàn bộ trên 30% cổ phần đang được các cổ đông khác nắm giữ đối với công ty viễn thông Docomo và biến công ty viễn thông lớn nhất Nhật Bản này trở thành công ty trực thuộc 100% vốn của NTT.
Việc sở hữu hoàn toàn, tập đoàn NTT sẽ đáp ứng yêu cầu giảm cước viễn thông của chính quyền Suga Yoshihide, hợp lý hóa các khoản đầu tư vào lĩnh vực 5G và IoT.
Logo của công ty viễn thông lớn nhất Nhật Bản Docomo. (Ảnh: Tech News Chronicle)
Theo thống kê của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, Docomo hiện là tập đoàn viễn thông lớn nhất chiếm 37% số hợp đồng của khách hàng, tiếp đến là nhà mạng AU (KDDI) chiếm 28% và nhà mạng Softbank chiếm 22%.
Theo báo Asahi, 2 nhà mạng AU, Softbank đã nhanh chóng tạo ra các thương hiện viễn thông giá rẻ và lấy đi khách hàng của Docomo. Kinh doanh của Docomo trong tài khóa 2019 (từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020) là thấp nhất trong số 3 công ty viễn thông lớn của Nhật Bản.
Ngày 25/9, nhà mạng AU (KDDI) cũng đưa ra tuyên bố tiên phong tìm cách hạn giá cho mạng 5G, đồng thời phát hành 6 mẫu điện thoại thông minh tương thích với 5G của mạng AU vào mùa xuân năm sau.
Theo phát biểu của ông Takahashi, Giám đốc của AU, mạng 5G sẽ không chỉ hướng tới các đối tượng chỉ định, mà muốn phổ cập tới bất kỳ ai.
Các chuyên gia đánh giá, việc hạ giá đối với công nghệ viễn thông 5G là thách thức rất lớn với các công ty viễn thông. Lĩnh vực 5G là tổng hợp của nhiều ngành công nghiệp, nên để hạ giá cần có chính sách hỗ trợ tổng thể ví dụ như hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!