Online định hình offline - Cuộc "lấn sân" chính thức bắt đầu

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 10/10/2019 07:25 GMT+7

VTV.vn - Ở nước ta, những mô hình bán lẻ truyền thống không chỉ bị cạnh tranh mà đã bắt đầu được định hình, điều chỉnh bởi những doanh nghiệp trực tuyến.

Theo nghiên cứu từ nhóm đối tác Google, từ nay đến năm 2025, thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm gần 50%. Cuộc "lấn sân" của các hãng công nghệ trực tuyến online sang các mô hình trực tiếp offline đã bắt đầu tại Việt Nam.

Ngày 8/10, công ty công nghệ hàng đầu khu vực Grab đã chính thức vận hành mô hình GrabKitchen với địa điểm đầu tiên ở TP.HCM. Trước đây, Grab chỉ cung cấp các dịch vụ trên nền tảng online như gọi xe công nghệ, đặt đồ ăn..., nay GrabKitchen là dịch vụ bán lẻ trực tiếp offline đầu tiên của hãng tại Việt Nam. Và Việt Nam cũng mới chỉ là quốc gia thứ 2 mà Grab triển khai mô hình này. Không chỉ dừng lại ở mảng thực phẩm, đồ uống, đại diện Grab Việt Nam chia sẻ tham vọng mở rộng nhiều dịch vụ trên nền tảng trực tiếp offline trên nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam trong tương lai từ hàng tạp hóa, chăm sóc sức khỏe đến nông nghiệp.

Sở dĩ gọi đây là cuộc "lấn sân" vì những mô hình như GrabKitchen sẽ không dừng lại ở vài địa điểm đơn lẻ. Tại Indonesia, nơi Grab ra mắt dịch vụ offline này đầu tiên, chỉ trong 6 tháng đã có 10 GrabKitchen được mở ra và hãng công nghệ này đang chạy đua để có được 50 địa điểm đến hết năm 2019. Điều này cho thấy, với nguồn lực đầu tư lên đến 500 triệu USD cho thị trường Việt Nam trong 5 năm tới, các mô hình offline như của Grab có thể được nhân rộng với tốc độ nhanh hơn chúng ta tưởng.

Tự đầu tư để cạnh tranh hay hợp tác với ông lớn - đứng trên vai "người khổng lồ" - câu trả lời còn tùy thuộc vào quy mô của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chắc chắn rằng các doanh nghiệp offline sẽ phải tìm cách để ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử vào trong mô hình của mình. Có thể thấy rõ điều này hiện nay ở nhóm doanh nghiệp trung tâm thương mại khi trong thời gian vừa qua, nhiều "ông lớn" đầu ngành đã lần lượt công bố mô hình trung tâm thương mại mới.

Theo nghiên cứu mới nhất từ Euromonitor, 66% người Việt Nam cho biết sẽ chi tiền cho trải nghiệm thay vì hàng hóa cụ thể, cao hơn mức trung bình của châu Á - Thái Bình Dương và cao gấp gần 1,5 lần so với người dùng Nhật Bản. Sự chuyển đổi các mô hình trung tâm thương mại cũ để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngày càng đa dạng của người dùng đang diễn ra ngày càng rõ ở các thị trường mới nổi.

Theo nghiên cứu từ nhóm đối tác Google, thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm gần 50% từ nay cho đến 6 năm tới. Bối cảnh này buộc các doanh nghiệp đang duy trì những mô hình bán lẻ cũ tại Việt Nam phải chuyển động nhanh hơn nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Áp lực phải thay đổi đã ngày càng rõ. Giới chuyên gia cho rằng, điều quan trọng không phải là giữa online và offline, bên nào sẽ "lấn sân" bên nào, doanh nghiệp thành công là khi biết cách đứng được trên cả hai sân chơi này, kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai kênh online - offline để phục vụ mục tiêu sau cùng - đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngày càng cao với càng nhiều người dùng.


Xu hướng 'online to offline' của các hãng bán lẻ Xu hướng "online to offline" của các hãng bán lẻ

VTV.vn - Các hãng bán lẻ truyền thống đang triển khai giải pháp O2O- online to offline.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước