Trong bối cảnh lạm phát vẫn dai dẳng, đảm bảo nguồn cung và giá năng lượng không quá cao là mục tiêu nhiều nước châu Âu đang nỗ lực thúc đẩy. Pháp, nền kinh tế số 2 khu vực Eurozone, cũng không phải là ngoại lệ.
Thỏa thuận mới được chính phủ Pháp đàm phán thành công với hãng năng lượng EDF - đơn vị vận hành các nhà máy điện hạt nhân đang chiếm khoảng 70% lượng điện năng tại nước này. Trong đó, 2 bên đã đồng ý lấy 70 Euro/megawatt giờ là mức giá tham chiếu với nguồn cung điện hạt nhân do EDF cung cấp. Các cơ chế bảo vệ người tiêu dùng sẽ được kích hoạt nếu giá điện năng vượt ngưỡng 110 Euro/megawatt giờ.
"Mục tiêu số 1 của chúng tôi là đảm bảo sự ổn định về giá điện cho người dân, thông qua thỏa thuận với các nhà cung ứng điện như EDF. Thỏa thuận này cùng với các quy định mới sẽ giúp chúng tôi bảo vệ người tiêu dùng trong dài hạn về nguồn cung điện năng", Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh.
Tháp giải nhiệt và các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Electricite de France (EDF) ở Cattenom, Pháp. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)
Thỏa thuận này cũng được kỳ vọng sẽ giúp EDF có thể làm ăn có lãi trở lại. Trước đó, tập đoàn này đã lỗ kỷ lục 18 tỷ Euro vào năm 2022, một phần do việc chính phủ áp quy định trần giá điện trong giai đoạn lạm phát lên cao.
"Dù có nhiều thách thức, nhưng quy định và thỏa thuận mới có thể giúp chúng tôi tăng doanh thu và tìm các nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất điện trở lại", ông Luc Remont, Giám đốc điều hành, Tập đoàn năng lượng EDF, cho biết.
Hồi giữa năm nay, sau khi quy định trần giá được bãi bỏ, giá điện đã tăng 10% với hàng triệu người Pháp, gây khó khăn lớn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng như gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Thỏa thuận mới được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết vấn đề này trong những năm tới trong bối cảnh lạm phát ở nước này vẫn còn ở mức cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!