Sáng nay (27/10), Trung tâm WTO và hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo tham vấn Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết TPP về Đầu tư. Đây là kết quả rà soát thông qua dự thảo nghiên cứu của VCCI với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Vương quốc Anh và Ireland tại Việt Nam. Qua đó, VCCI đưa ra những đề xuất hoàn thiện pháp luật với những cam kết TPP về đầu tư từ góc độ lợi ích doanh nghiệp.
Trong số các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới của Việt Nam, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA Việt Nam - EU (EVFTA) được đánh giá là hai hiệp định có tác động lớn nhất tới thể chế và pháp luật Việt Nam, trong đó có các chính sách về đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - nhấn mạnh:
"Mục đích trước mắt của dự án là để rà soát, đảm bảo pháp luật Việt Nam
tuân thủ các cam kết về mặt thể chế, chính sách đối với các cam kết TPP
và EVFTA. Mục đích xa hơn là chúng tôi mong muốn pháp luật Việt Nam tiến gần hơn đến TPP và EVFTA, hoàn thiện mình để trở thành môi
trường đầu tư thu hút, hỗ trợ phát triển về kinh tế. Đồng thời, Việt Nam
có thể tận dụng được tốt những cơ hội trong quá trình hội nhập, tham gia
các Hiệp định thương mại quốc tế".
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập
Việc thực hiện với cam kết đầu tư trong EVFTA và TPP nhằm xác định những nội dung của pháp luật Việt Nam, từ đó đưa ra các đề xuất sửa đổi, điều chỉnh để vừa bảo đảm tuân thủ các cam kết TPP, vừa cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời bảo vệ và cân bằng lợi ích giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư TPP.
Khi chính thức có hiệu lực, dự kiến các cam kết về đầu tư trong TPP và
EVFTA sẽ làm thay đổi đáng kể môi trường chính sách về đầu tư ở Việt
Nam. Các cam kết này được đánh giá là mức cam kết cao nhất về đầu tư từ
trước tới nay. Đồng thời, các nhà đầu tư đến từ 38 nền kinh tế đối tác
của hai Hiệp định này cũng chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng số đầu tư nước
ngoài vào Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, trong quá trình rà soát các khuôn khổ pháp luật, về cơ bản pháp luật Việt Nam đã có sự tương thích với những cam kết quốc tế, trong đó phần lớn là cam kết về đầu tư, đặc biệt là các nguyên tắc cơ bản với nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam cũng tương thích một phần với cam kết TPP về bồi thường trong trường hợp tước quyền sở hữu, xung đột vũ trang, bạo loạn dân sự.
Tuy nhiên, một số nội dung, điều khoản và quan điểm thực thi của pháp luật Việt Nam vẫn chưa có sự đồng nhất như: chuyển tài sản ra nước ngoài, ISDS (điều khoản giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và quốc gia).
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!