Theo Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển Việt Nam của Cục Thủy sản về việc Ứng dụng Công nghệ lồng nuôi tiên tiến để hạn chế rủi ro, một trong những mục tiêu chính là tập trung chuyển đổi lồng nuôi thủy sản trên biển từ lồng bè gỗ truyền thống sang nuôi bằng lồng HDPE để đáp ứng điều kiện biến đổi khí hậu, có thể nuôi xa bờ và gắn với bảo vệ môi trường biển bền vững. Đây được xem là đề án phát triển lâu dài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong việc nuôi trồng thủy sản trên biển.
Nhìn lại cơn bão số 3 vừa qua cho thấy, ngành nông nghiệp đã phải chịu thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt đối với doanh nghiệp và bà con sản xuất và nuôi trồng thủy hải sản trên biển. Thống kê sơ bộ đã có hơn 30.000ha vùng nuôi thủy sản thiệt hại, tương đương gần 6.200 tỷ đồng đã bị bão số 3 cuốn trôi. Cơn bão đã đẩy nhiều người nuôi biển vào tình thế: nhà và lồng bè trên biển thì bị phá hủy, nhà trên bờ thì thế chấp ngân hàng. Tình trạng bà con trở nên tay trắng sau bão đã đặt ra bài toán phải thay đổi cách thức nuôi. Không chỉ dừng ở chuẩn hóa vật liệu nuôi biển thân thiện môi trường mà phải tính đến cả giải pháp nâng cấp thiết kế vật liệu lên mức chống chịu bão trên cấp 12.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nhận định: Bảo vệ nguồn lợi thủy sản biển nằm trong 3 trụ cột của phát triển kinh tế thủy sản của nước ta, đó là giảm khai thác; tăng nuôi trồng và bảo tồn biển. Trong đó, phát triển công nghệ nuôi biển đang ngày một được chú trọng, đưa lĩnh vực này thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, mở ra hướng đi bền vững cho ngành thủy sản trong tương lai.
Thay đổi tư duy, hướng tới cách làm chuyên nghiệp
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi thực tế mô hình nuôi biển bằng vật liệu HDPE tại Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Định hướng phát triển ngành nuôi biển của Việt Nam trong thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp, với công nghệ tiên tiến, cùng với quy hoạch chặt chẽ, tạo ra hệ sinh thái bền vững trong mô hình nuôi từ ven bờ, xa bờ và ngoài khơi. Nuôi biển cũng góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu áp lực khai thác tự nhiên, gia tăng giá trị đại dương, đa dạng sinh học, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, có tính bền vững kết cấu cao, cùng với ứng dụng công nghệ để ngành công nghiệp nuôi biển ngày càng giữ vai trò chủ đạo, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.
Giải pháp sử dụng lồng nuôi HDPE, phao nhựa, phao composite đã và đang là tiêu chuẩn trong nuôi biển, có thể nói lồng nuôi HDPE kết hợp với công nghệ sẽ trở thành xu hướng và thay đổi tư duy, cách làm của người dân.
Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: "Khi người nuôi chuyển sang lồng HDPE, độ bền của lồng cũng như sức chống chịu trước biến đổi khí hậu như bão, sóng, gió sẽ tốt hơn lồng bè bằng gỗ. Cùng với đó, người nuôi sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại thủy sản nuôi khi có bão đổ bộ vào. Đối với nuôi biển, bên cạnh việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn để đảm bảo sức chống chịu tốt hơn. Đây cũng là một cơ sở chúng tôi mong rằng các đơn vị bảo hiểm sẽ tham gia cùng", ông Luân cho biết thêm.
Ngoài ra, khi các địa phương thay vật liệu gỗ sang vật liệu HDPE sẽ giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng tốt hơn. Đặc biệt, khi chúng ta sử dụng lồng HDPE sẽ giúp đưa các thiết bị tiên tiến vào trong quá trình nuôi, từ đó thu được hiệu quả nuôi cao và bền vững.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group chia sẻ: "Chúng tôi đã và đang hiện đại hoá, công nghệ hóa sản phẩm của mình, cài đặt dữ liệu cho sản phẩm. Tới đây, chúng tôi sẽ có những hệ thống lồng bè mà trong điều kiện bão lớn sẽ tự động được đánh chìm xuống đáy biển và bảo toàn đàn cá nuôi đang có trong môi trường lưới 3 chiều. Với công nghệ này, tôi cho là đáng để đầu tư nếu hướng tới việc sản xuất bền vững. Quảng ninh vùng đáy là bùn, dùng hệ cọc sẽ rất yếu, chúng ta phải nâng cấp lồng HDPE lên 1 cấp độ nữa là cấp chống chịu bão, nếu chịu bão thì lắp ghép lego vẫn bị giật ra, chúng ta sẽ phải dùng 1 phương pháp khác đó là hàn nhiệt".
Hiện nay, mô hình lồng nuôi thủy sản bằng nhựa HDPE đã mang lại hiệu quả vượt trội về kinh tế cho người dân, điển hình tại một số tỉnh như Quảng Ninh, Phú Yên, Khánh Hòa, Nha Trang... Mô hình này sẽ còn được nhân rộng và phát triển khi vừa đảm bảo được lợi ích kinh tế, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như giúp nghề nuôi biển phát triển lâu dài và bền vững.
Kết hợp công nghệ hiện đại, hệ thống lồng bè khi gặp điều kiện bão lớn sẽ tự động được đánh chìm xuống đáy biển để bảo toàn tài sản sẽ là hướng phát triển trong thời gian tới.
Tại các nước có ngành công nghiệp nuôi biển phát triển như Na Uy, Nhật Bản, khi gặp bão thì hệ thống lồng bè với công nghệ hiện đại sẽ tự đánh chìm và trở lại bình thường khi bão tan. Là nước đi sau, Việt Nam hoàn toàn có điều kiện để tiếp cận với vật liệu và công nghệ hiện đại. Việc tính toán để vừa đảm bảo hiệu quả vừa thích ứng thiên tai phải là yêu cầu bắt buộc khi bắt tay khôi phục nuôi biển.
Đề án nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8 – 1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000ha, sản lượng đạt 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 – 2 tỷ USD. Tầm nhìn đến năm 2045, công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, đóng góp trên 25% tổng sản lượng, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!