Hệ quả của đầu tư du lịch "đầu voi đuôi chuột"
Bên cạnh du lịch nghỉ dưỡng, du lịch di sản văn hóa là một trong những sản phẩm du lịch được đánh giá là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên thực tế hiện nay, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc vẫn còn những hạn chế, bất cập, khiến các di tích đang dần rơi vào lãng quên.
Đền thờ Khằm Ban, một trong những di tích lịch sử cấp tỉnh quan trọng của huyện Quan Hóa. Được kỳ vọng là điểm du lịch tâm linh, nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, nhưng suốt bao năm nay, nơi này vẫn thiếu sự chỉnh trang, nâng cấp. Bên trong khuôn viên thờ tự vẫn còn cả một ngôi nhà đổ nát chưa được dọn dẹp đi.
"Cũng biết là một di tích rất có giá trị, về lịch sử về văn hóa, nhưng huyện cũng là huyện nghèo, khó khăn, nên không có vốn để mà đầu tư, tôn tạo, trùng tu nên di tích này nhiều khi trở thành phế tích", ông Phạm Quốc Thịnh, Trưởng phòng Tài chính kế hoạch huyện Quan Hóa, Thanh Hóa, bày tỏ.
Đền thờ Khằm Ban, một trong những di tích lịch sử cấp tỉnh quan trọng của huyện Quan Hóa.
Di tích thành phế tích cũng là bởi để hoàn thiện theo thiết kế phải tốn hơn 30 tỷ đồng - số tiền bằng tổng thu ngân sách của huyện trong cả năm. Không đủ kinh phí, thay vì 13 hạng mục, nay mới chỉ làm được 2.
Tại nhà hậu cung, chỉ móng nhà là cũ, còn lại được xây mới hết. Toàn bộ số khung cột hoành tráng, ban đầu nhìn tưởng cột gỗ, nhưng thực chất chỉ là cột bê tông được sơn giả gỗ. Những vết bong tróc, nứt ẩm đã xuất hiện chỉ sau 3 tháng kể từ khi hoàn thành. Liệu ai có thể bỏ ra 1 tỷ đồng để xây một căn nhà cấp 4 với chất lượng thế này, để rồi nhận về lời giải thích là do làm tốt quá?
"Đầu tư 1 tỷ đồng đổi lại công trình như thế cũng thấy nó xót xa. Nó không đáng. Quyết định nghiệm thu công trình thuộc ban quản lý dự án", ông Phạm Quốc Thịnh chia sẻ.
Đơn vị nghiệm thu nghiễm nhiên coi hình ảnh này phản ánh chất lượng quá tốt của công trình. Bên trong là vậy, bên ngoài cũng thiếu đi sự tôn nghiêm đáng có của nơi thờ tự linh thiêng. Di tích hay phế tích giờ cũng chỉ khác nhau bởi cách gọi.
Doanh thu từ du lịch văn hóa
Sự đầu tư chắp vá, chất lượng không tương xứng với giá trị khiến di tích ngày một bị lãng quên. Theo Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam, hoạt động thăm quan di sản là hoạt động được khách du lịch quốc tế ưa thích thứ 2 chỉ sau nghỉ dưỡng tắm biển. Việt Nam cũng đặt rõ mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch văn hóa chiếm từ 10 - 25% trong tổng số 18 - 19 tỷ USD; đến năm 2030 sẽ phải chiếm từ 15 - 20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch.
Vì vậy, du lịch văn hóa cũng được xác định là 1 trong 4 sản phẩm du lịch chính của Việt Nam. Nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi đang vạch ra định hướng phát triển du lịch di sản văn hóa để nâng cao đời sống kinh tế cho bà con, tuy nhiên với tiềm lực còn hạn chế, giấc mơ để người dân thoát nghèo vẫn còn xa.
Phát triển du lịch: Tiềm năng đâu chưa thấy
Hang Phi - địa danh gắn liền với những câu chuyện ly kỳ, bí ẩn của đồng bào dân tộc Thái về việc trong lòng hang chứa hàng trăm bộ xương người. Đề án phát triển du lịch nơi này cũng đã được triển khai với nhiều kỳ vọng của chính quyền địa phương. Thế nhưng sau 4 năm, chỉ một vài hạng mục manh mún được hình thành.
"Huyện cũng nhìn thấy được cái tiềm năng, nhưng vấn đề để phát triển rất là khó. Đối với đề án phát triển du lịch của huyện, đến thời điểm hiện tại cũng chưa đạt được những kết quả như là mong muốn", bà Vy Thị Huệ, Bí thư Đảng ủy xã Nam Xuân, Quan Hóa, Thanh Hóa, cho hay.
Hang Phi - địa danh gắn liền với những câu chuyện ly kỳ, bí ẩn của đồng bào dân tộc Thái về việc trong lòng hang chứa hàng trăm bộ xương người.
Kết quả không như mong muốn là bởi đã 5 năm kể từ khi UBND huyện có ý định phân đất cho người dân để làm nhà sinh thái, cọc cắm mốc chia lô cũng có, vậy nhưng, theo chia sẻ của anh Cao Xuân Nhã (chuyên viên phòng Văn hóa Thông tin huyện Quan Hóa) huyện gặp khó khăn trong việc kêu gọi.
Gặp khó nhưng chưa thấy ló cái khôn, khi tiềm năng chỉ là những thứ tự cảm nhận, chứ chưa ai hiện thực hóa thành những thứ sờ được hay nhìn thấy.
Hệ quả của tiềm năng du lịch bỏ lửng ấy hiển hiện ở ngay đây. Cả một khu sinh thái không bóng người, không cơ sở vật chất. Nền đất để chuẩn bị làm nhà, thứ công trình được coi là đầu tư hoàn thiện nhất, thuộc sở hữu của gia đình anh Thanh, cho người dân xây nhà nhưng chưa có quyết định bàn giao đất. Làm nhà sàn đã không được hỗ trợ chi phí mà lại phải theo đúng theo bản vẽ từ mái nhà đến chất liệu gỗ, độn giá thành xây dựng lên đến hơn 700 triệu đồng/căn. Số tiền chỉ nghĩ thôi cũng chưa biết kiếm ở đâu cho đủ, chứ chưa đến nói đến việc bao giờ mới có khả năng sinh lời.
"Chót rồi nên là để vậy thôi chứ biết làm sao được. Phải có gì đó mở mang trước đi. Ví dụ như cái đường nó đẹp, điện đóm nó khang trang lên thì bọn tôi thấy cái đó còn máu lửa bọn tôi làm. Nhưng cái đấy họ chưa đầu tư mà yêu cầu bọn tôi phải làm trước thì bọn tôi cũng hơi mông lung. Sợ làm lên rồi thì liệu có được như thế không, hay lại xuống ở với khỉ", anh Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.
Đúng là nhìn vào hiện thực này, lạc quan là điều khó níu giữ. Mạo hiểm làm người tiên phong để lãnh trái ngọt hay quả đắng thì không chỉ có gan, mà phải có sức. Hệ quả là nhà chờ khách vẫn chỉ biết chờ...
Ai cũng muốn mình đi tiên phong, nhưng tiên phong trong ý tưởng khác tiên phong trong hành động. Có nhiều lý giải cho việc phát triển du lịch chưa thành công, đó có thể do tiềm lực kinh tế chưa đủ mạnh, do cách làm của chính quyền địa phương thiếu đồng bộ hay do quyết tâm của người dân còn hạn chế, nhưng vì lý do có là gì, phát triển du lịch cũng không thể bằng mọi cách.
Du lịch hướng đến phát triển bền vững
Dù có tiềm năng, nhưng nếu thiếu tiềm lực, du lịch không thể phát triển. Sau hơn 1 năm ngành công nghiệp không khói của Việt Nam bị đình trệ do dịch bệnh, đây rất có thể là thời điểm vàng để du lịch ở nhiều nơi bứt phá. Vì dù ở đâu đó, nhiều địa phương vẫn còn phải loay hoay trong những đề án phát triển du lịch mới chỉ thành hình trên giấy, cũng có nhiều nơi, du lịch đang trên đà phát triển theo một cách rất riêng.
Du lịch di sản văn hóa là một trong những sản phẩm du lịch được đánh giá là thế mạnh của Việt Nam.
Ao cá nhà bà Loan (Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông, Thanh Hóa) nay được chia làm 2. Một bên vẫn thả cá, bên còn lại là bể bơi. Với phương châm kinh tế song hành, người phụ nữ này lấy nông nghiệp làm gốc, người phụ nữ này cùng lúc đóng 2 vai trò.
"Đi ruộng về là bắt tay vào việc phục vụ du khách. Vất vả nhưng vui, nhờ vậy cũng có thêm thu nhập, đỡ khổ hơn xưa nhiều", bà Hà Thị Loan chia sẻ.
Tập tành học cách phục vụ khách ta lẫn khách tây, với người nông dân vùng cao đó là cả một thử thách. Chỉ mới 3 năm, khu lưu trú của gia đình đã không ngừng gia tăng. Từ một, nay đã cất được gần chục nóc nhà sàn. Du lịch cộng đồng, những hộ vệ tinh cũng phát triển theo. Nhà trồng rau, nhà nuôi cá... Cái ao cũng bắt đầu to dần, từ việc thả cá để phục vụ gia đình thì nay đã có cá thương phẩm để phục vụ du khách.
"Ngày xưa đầu ra đầu vào rất khó, nhưng bây giờ có khách đến người ta có nhu cầu thì mình có thể bán cho khách", ông Hà Văn Biển, Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông, cho biết.
Tuân thủ theo tiêu chí du lịch sinh thái cộng đồng, người dân địa phương đã tự đứng ra phát triển và quản lý, lợi ích kinh tế có được từ du lịch đã đọng lại cho chính địa phương.
"Phát triển du lịch cộng đồng giảm nghèo rất mạnh và bền vững. Hiện nay, bản Đôn đã về đích nông thôn mới, thu nhập đầu người đã tăng, bình quân 33 triệu đồng/người/năm", ông Hà Huy Giáp, trưởng bản Đôn, Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông, Thanh Hóa, cho hay.
Ruộng bậc thang vẫn chuyên canh sản xuất, nếp nhà sàn vẫn được bảo lưu, những công trình xây dựng mới không được phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa. Liên tục làm mới mình để thu hút du khách, nhưng đồng thời vẫn phải giữ được các giá trị cốt lõi để làm bệ đỡ cho phát triển du lịch bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!