Ngay trong những ngày đầu năm mới, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có thêm sự góp mặt của Tập đoàn bán lẻ AEON Nhật Bản. Trên các quầy kệ, bên cạnh 50% hàng hóa có xuất xứ từ Nhật thì 50% còn lại là sự ưu tiên cho các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao.
Cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài, hệ thống bán lẻ trong nước là Co.op mart cũng đã tăng cường mở rộng hệ thống phân phối rộng khắp trong cả nước. Chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, hàng loạt hệ thống đã được khai trương tại Tây Ninh, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nội, nâng tỷ lệ phân phối tiêu thụ hàng Việt lên đến 95% trong hệ thống này.
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, cách đây 5 năm, tỷ trọng hàng Việt trong siêu thị chỉ chiếm khoảng 50% số lượng hàng hóa bày bán, đến nay đã tăng lên 80-90%. Tại một số siêu thị như Vinatexmart, Co.op mart, Citimart… lượng hàng Việt bày bán lên đến 92-95%. Hàng Việt chiếm lĩnh hệ thống bán lẻ đã phần nào thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Với sự ra đời đồng loạt của Co.opxtraplus, Satra, Pico, Hapro hay Aeon… giúp người tiêu dùng đang có nhiều sự lựa chọn hàng hóa hơn. Vì thế, hàng Việt có tồn tại được trong siêu thị hay không và ở mức độ nào thì ngoài nỗ lực của đơn vị kinh doanh còn phụ thuộc rất nhiều vào chính các nhà sản xuất.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, để tranh thủ các lợi thế trong hệ thống bán lẻ, muốn người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, ngoài việc các doanh nghiệp sản xuất cần nâng cao chất lượng hàng hóa và giá thành sản phẩm hợp lý, điều quan trọng hơn cả là doanh nghiệp sản xuất và phân phối cần hợp tác chặt chẽ hơn. Trong đó, doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp sản xuất về xu hướng sử dụng của người tiêu dùng. Từ đây sẽ góp phần đẩy mạnh việc đưa hàng Việt tiếp cận đến người tiêu dùng.
Để theo dõi chi tiết thông tin, quý vị có thể theo dõi trong video dưới đây: