Quản lý vốn Nhà nước: Đã đến lúc cần một mô hình mới?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 13/01/2018 20:51 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Mặc dù nguồn vốn lớn nhưng khu vực kinh tế Nhà nước chỉ chiếm 28,7% GDP trong khi khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tới gần 40% và khu vực FDI là trên 18%.

Được xem là "xương sống", là "bệ đỡ" của nền kinh tế, nhiều năm qua, khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã có đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển đất nước.

Tuy nhiên, so với các thành phần kinh tế khác, hiệu quả sử dụng vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước lại không cao. Có phải chăng đã đến lúc cần phải có một mô hình quản lý mới để phát huy hiệu quả nguồn vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc khu vực này?

Vốn Nhà nước bị phân tán ở nhiều bộ ngành

DNNN đang quản lý một nguồn lực rất lớn, khoảng 5 triệu tỷ đồng, bao gồm nhiều lĩnh vực quan trọng và trụ cột như điện lực, dầu khí, hàng không, khoáng sản, dệt may, viễn thông… nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước cho nền kinh tế quốc dân chưa như mong đợi.

Việc quản lý và sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đang thiếu hiệu quả, thậm chí dẫn đến thất thoát, mất vốn và tham nhũng.

Khu vực DNNN bao gồm 22 tổng công ty, các tập đoàn kinh tế lớn đang nắm giữ những vị trí then chốt trong nền kinh tế và hàng trăm ngàn DNNN thuộc sự quản lý của UBND các tỉnh.

Mặc dù nguồn vốn lớn nhưng khu vực kinh tế Nhà nước chỉ chiếm 28,7% GDP trong khi khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tới gần 40% và khu vực FDI là trên 18%.

Nếu tính cả giá trị vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, tổng giá trị tài sản của khu vực DNNN khoảng 5 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn lực khổng lồ này lại nằm phân tán tại nhiều bộ.

Năm 2005 Chính phủ đã cho thành lập Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC. Thế nhưng, sau hơn 10 năm hoạt động, SCIC mới chỉ quản lý chưa đến 10% tổng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Thất thoát vốn đầu tư của các DNNN

Một câu chuyện buồn của thất thoát vốn Nhà nước là 12 dự án nghìn tỷ mà báo chí đã tốn nhiều giấy mực đề cập. Từng được coi là những tài sản đáng giá, sẽ tạo nên viễn cảnh tươi đẹp cho nền kinh tế khi được khởi công khoảng 10 năm trước nhưng nhiều dự án của những tập đoàn, DNNN lại trở thành gánh nặng.

Phần lớn đều cùng những lý do giống nhau như tổng mức đầu tư đều tăng so với mức được phê duyệt, tiến độ kéo dài, tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, thiếu vốn và khó khăn về thị trường tiêu thụ… Cho dù đã có những phương án xử lý các dự án thua lỗ này, tuy nhiên, việc mất vốn đầu tư hàng nghìn tỷ là khó tránh khỏi.

Hiện các bộ ngành cũng đang rốt ráo để giải quyết những khoản đầu tư thua lỗ của các DNNN. Tuy nhiên, dù giải pháp như thế nào cũng khó có thể tránh được việc mất vốn.

Thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - Chưa từng có tiền lệ

Việc thất thoát vốn đã có thể thấy rõ. Một trong những nguyên nhân quan trọng là Nhà nước đã trao quyền quá lớn cho các doanh nghiệp này. Chính vì vậy mà dư luận đang có kiến nghị cho rằng đã đến lúc phải có một cơ quan quản lý tập trung và thống nhất hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Ý tưởng thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đã được hình thành từ lâu và có nhiều ý kiến trái chiều. Điều này cũng dễ hiểu vì việc thiết lập một ủy ban giữ vai trò chủ sở hữu một lượng vốn Nhà nước khổng lồ như vậy là điều chưa từng có tiền lệ.

Nghị quyết số 01 của Chính phủ đã đặt mục tiêu trong năm 2018 sẽ thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban này.

Theo đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp sẽ quản lý 21 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và cả Tổng công ty kinh doanh đầu tư vốn nhà nước - SCIC. Mô hình này sẽ tách được DN ra khỏi các bộ và cơ quan chủ quản tránh được lỗi "vừa đá bóng, vừa thổi còi" hay các bộ vừa quản lý Nhà nước vừa hỗ trợ, hậu thuẫn cho DN như lâu nay.

Là cơ quan thuộc Chính phủ và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng nên vị thế chính trị và pháp lý của Ủy ban này đủ mạnh để quản lý và điều hành các tập đoàn, tổng công ty. Theo nhiều chuyên gia, phải để cho các tập đoàn, tổng công ty chủ động kinh danh chuyên ngành trong lĩnh vực của mình, SCIC kinh doanh về vốn còn Ủy ban phải có trách nhiệm giám sát các hoạt động đó.

Theo dự thảo này, Ủy ban này chỉ quản lý khoảng 70% vốn chủ sở hữu Nhà nước. Các doanh nghiệp Nhà nước ở các địa phương vẫn thuộc quyền quản lý của UBND các tỉnh và thành phố và các bộ vẫn tiếp tục quản lý các DN công ích. Chính phủ sẽ ưu tiên nắm quyền kiểm soát đối với các lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, dư luận vẫn lo ngại về một ủy ban với quyền lực lớn và đặc biệt quan trọng này liệu có hoạt động hiệu quả? Vì vậy, cần phải có cơ chế giám sát thường xuyên hoạt động của Ủy ban này để kịp thời phát hiện và khắc phục những lỗ hổng về quản trị có thể xảy ra nhằm ngăn chặn thất thoát vốn Nhà nước như đã từng diễn ra trước đây.

Năm 2018 sẽ thoái vốn Nhà nước tại một loạt tập đoàn, tổng công ty Năm 2018 sẽ thoái vốn Nhà nước tại một loạt tập đoàn, tổng công ty Thoái vốn nhà nước không đạt kỳ vọng: Khâu chuẩn bị không đảm bảo yêu cầu Thoái vốn nhà nước không đạt kỳ vọng: Khâu chuẩn bị không đảm bảo yêu cầu 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả: Nhà nước có tiếp tục rót vốn? 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả: Nhà nước có tiếp tục rót vốn?

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước