Ảnh minh họa. (Nguồn: ec.europa)
Việc Việt Nam ký hiệp định VPA/FLEGT có một ý nghĩa rất quan trọng vì từ trước đến nay EU là một thị trường rất ngặt nghèo và chi tiết về kiểm soát nguồn gốc các loại gỗ trong nước và nhập khẩu. Tất cả đều phải có giấy chứng nhận xuất xứ, chứng minh đó là gỗ khai thác hợp pháp, buôn bán hợp pháp, thì mới được lưu thông ở châu Âu.
Tại một khu rừng tại Bỉ đang được khai thác, có thể nói gần như mỗi cây gỗ đều được đăng ký theo dõi, mặc dù khu rừng này thuộc sở hữu tư nhân. Không đăng ký từ đầu không thể bán số gỗ thu được. Trong chứng nhận xuất xứ phải nêu rõ chủng loại gỗ, trồng ở đâu, năm nào, cắt khi nào và theo công nghệ nào.
Mọi khu rừng ở Bỉ đều do Cơ quan Thiên nhiên và Rừng quản lý. Nhân viên kiểm lâm theo định kỳ đi kiểm tra từng khu rừng, rừng gỗ mềm thì 4 tới 5 năm/lần, rừng gỗ cứng 10 năm/lần. Nhân viên kiểm lâm lấy mẫu vật từ các cây, rồi lên danh mục theo dõi.
Với gỗ nhập khẩu vào châu Âu, quy định nguồn gốc cũng ngặt nghèo không kém. Công ty nhập khẩu gỗ vào châu Âu phải khai báo rõ là gỗ được khai thác từ tỉnh nào, của quốc gia nào, bất kể đó là gỗ tròn còn nguyên thân, hay gỗ đã xẻ, gỗ tà vẹt, cốp pha, giàn giáo, ván ép, hoặc đồ dùng gia đình làm từ gỗ. Bột gỗ dùng để sản xuất giấy cũng không bị loại trừ.
Ngân hàng Thế giới ước tính từ 20 - 40% gỗ lưu thông trên thị trường thế giới có nguồn gốc đáng ngờ. Với châu Âu, doanh nghiệp nhập khẩu gỗ không rõ nguồn gốc sẽ bị trừng phạt, nhẹ bị phạt tiền, nặng nhất bị tịch thu hàng hoá và doanh nghiệp bị cấm hoạt động tại châu Âu. Trước khi Ủy ban châu Âu ra quy định chung vào năm 2013, hai nước Đức và Anh cũng đã từng phạt tù những kẻ buôn lậu gỗ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!