Sàn giao dịch Bitcoin Việt Nam hoạt động có hợp pháp?

Hằng Nga - Hoài Linh-Thứ sáu, ngày 25/07/2014 07:13 GMT+7

Bất chấp sự khuyến cáo của NHNN, vừa qua, sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam vẫn chính thức ra mắt. Về mặt tiền tệ, Bitcoin đã hoàn toàn bị loại khỏi hệ thống thanh toán của các ngân hàng và tổ chức tín dụng của Việt Nam. Liệu Bitcoin có được đối xử như những loại hàng hóa?

Chỉ cần một cú click là có thể đăng ký trở thành thành viên sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam. Dù được giới thiệu là sàn giao dịch Bitcoin nhưng chính đại diện công ty phải thừa nhận, để có thể hoạt động thì phải đăng ký với hình thức khác.

Bà Nguyễn Trần Bảo Phương, Giám đốc Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đăng ký với cơ quan quản lý ngành nghề hoạt động của mình là kinh doanh máy vi tính, phần mềm để đưa Bitcoin vào đó, bởi bản chất hoạt động của Bitcoin là thông qua phần mềm với nhiều phiên bản khác nhau. Còn đối với sàn giao dịch thì cho Bitcoin ẩn vào hình thức “đại lý môi giới đấu giá”.

Trước thông tin sàn giao dịch trực tuyến Bitcoin Việt Nam đi vào hoạt động, NHNN cũng tái khẳng định trên website của mình rằng, Bitcoin không phải là tiền tệ và không chấp nhận Bitcoin trong mọi giao dịch thanh toán.

‘ Ảnh chụp giao diện của sàn giao dịch trực tuyến Bitcoin vào sáng 11/7. Ảnh: Thời báo kinh tế

Ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN khẳng định: “Dưới góc độ là tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán, tương tự như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, theo pháp luật hiện hành về ngân hàng, NHNN khẳng định Bitcoin không phải là tiền tệ hợp pháp và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. NHNN khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên nắm giữ hoặc thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác”.

Như vậy, về mặt tiền tệ, Bitcoin đã hoàn toàn bị loại khỏi hệ thống thanh toán của các ngân hàng và tổ chức tín dụng của Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện nay Bitcoin chưa được quy định là hàng hóa hay dịch vụ trong pháp luật hiện hành và cũng không thuộc đối tượng điều chỉnh theo quy định về thương mại điện tử. Vì vậy mà Cục Thương mại Điện tử, Bộ Công Thương đã từ chối hồ sơ thông báo của website bitcoin Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, vấn đề nằm ở chỗ, vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng về hoạt động này. Luật sư Đức nói: “Nếu kinh doanh một sàn hay một sản phẩm hàng hóa dịch vụ nào đó thì phải đăng ký kinh doanh, kê khai, nộp thuế. Bản thân sàn giao dịch Bitcoin tại Việt Nam chưa có cơ quan nào quản lý thì có thể hình dung là đưa người tiêu dùng, người tham gia vào tình trạng không biết đúng hay sai, không biết ứng xử thế nào, không có hành lang pháp lý để thực hiện”.

Đầu năm 2014, giá Bitcoin sụt giảm mạnh sau khi 2 sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới là Mt.Gox và BitStamp tạm ngừng cho khách hàng rút tiền vì sự cố kỹ thuật và nhà chức trách Mỹ bắt giữ 4 nhân vật tình nghi đã sử dụng Bitcoin cho các giao dịch tội phạm.

Tháng 2/2014, sàn Mt.Gox đã bất ngờ đóng cửa khiến hàng triệu USD của thành viên mạng lưới Bitcoin đứng trước nguy cơ mất trắng. Nhưng cũng không ít quốc gia như Mỹ, Singapore, Nhật vẫn thừa nhận Bitcoin, thậm chí có xu hướng phát triển. Sự tồn tại của đồng Bitcoin vẫn đang gây nhiều tranh cãi.

Còn tại Việt Nam, hiện sàn giao dịch Bitcoin đã hoạt động được nửa tháng, hơn 1.700 thành viên đã đăng ký, hàng nghìn giao dịch đã được thực hiện... nhưng vẫn không có cơ quan nào đưa ra kết luận chính xác về tính pháp lý của nó. Có thể hiểu, Bitcoin tại Việt Nam hoạt động ngoài quy định, và dù thế nào vẫn tiềm ẩn rủi ro.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước