Sự cố kênh đào Suez tác động nghiêm trọng tới ngành vận tải biển toàn cầu. Ảnh: AFP
Dòng chảy thương mại giữa châu Á và phương Tây vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nay càng trở nên khó khăn.
Những tàu có điểm đến là châu Âu đi qua kênh Suez dự kiến tới nơi cùng lúc trong tuần này, vài ngày sau đó là nhóm tàu chọn đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở châu Phi. 80% hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu được vận chuyển bằng tàu, hầu hết từ châu Á.
Lĩnh vực Logistics bị đảo lộn từ trước vụ việc kênh Suez và nguy cơ tắc nghẽn tàu ở các cảng châu Âu sẽ làm phức tạp hơn nữa quá trình đưa container xuất khẩu ngược về châu Á. Các cảng châu Âu xác nhận họ đã chuẩn bị hết sức có thể cho làn sóng container sắp tới.
Tại Hamburg, cảng lớn nhất Đức, công ty bốc dỡ container Hamburger Hafen und Logistik thuê thêm 100.000 m2 để lưu trữ container. Các xe tải chở container xuất khẩu được yêu cầu không đến cảng sớm hơn tàu nhận hàng cập bến 48 giờ.
Tương tự, PSA, công ty bốc dỡ container lớn nhất nhất ở cảng Antwerp, Bỉ, thiết lập khung thời gian 7 ngày để tiếp nhận container xuất khẩu sang Trung và Viễn Đông nhằm giữ lượng container tại cảng ở mức thấp, tránh gây thêm "nút cổ chai".
Cảng Piraeus, Hy Lạp - phần lớn thuộc sở hữu của công ty vận tải biển Trung Quốc COSCO Shipping - bắt đầu bốc dỡ hàng hóa liên tục và sẽ duy trì tình trạng này nếu cần.
Các hãng vận tải biển châu Á lo ngại tắc nghẽn ở châu Âu sẽ làm gián đoạn dòng chảy container trở về từ cảng phương Tây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!