Sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp rác thải toàn cầu

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 03/06/2019 11:03 GMT+7

VTV.vn - Đông Nam Á quyết không trở thành bãi rác của thế giới nhưng điều này cũng khiến ngành cung ứng và tái chế rác thải trị giá 200 tỷ USD đang bị đứt đoạn.

Câu chuyện gây chú ý nhất tuần qua là một số nước Đông Nam Á, trong đó có Malaysia và Philippines kiên quyết trả lại rác thải cho những nước phát triển, những nước giàu hơn. Thậm chí những người dân Đông Nam Á đã có khẩu hiệu: Rác của quý vị là vấn đề của quý vị chứ không phải của chúng tôi.

Thế nhưng phía sau đó là câu chuyện về cả một ngành công nghiệp xuất nhập khẩu và tái chế rác thải trị giá 200 tỷ USD đã tồn tại hàng chục năm nay. Những chai nước, túi nylon mà chúng ta thải ra hàng ngày đang tạo nên một chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì sao một số quốc gia Đông Nam Á lại trả rác về các nước phát triển ngay lúc này?

Kể từ khi Trung Quốc cấm nhập rác thải nhựa, lượng rác này đã chuyển hướng sang các nước Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Một thống kê cho thấy, từ năm 2017 đến đầu năm 2018, lượng rác nhựa ở Indonesia tăng vọt 56%, nhưng nhiều nhất là Thái Lan với mức tăng 1.370%. Trong khi Malaysia đã trở thành quốc gia nhập rác thải nhựa hàng đầu với khối lượng cao gấp đôi lượng nhập của Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc). Lượng rác tăng vọt trong khi trình độ và năng lực xử lý rác thải nhựa còn yếu kếm, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ở các nước này trở nên nghiêm trọng.

Một loạt phóng sự điều tra về rác thải nhựa ở Đông Nam Á của các hãng truyền thông lớn gây rung động dư luận, cùng với việc phe đối lập lên tiếng chỉ trích về vấn đề này khiến các chính phủ các nước liên quan không thể ngồi yên mà phải hành động, trả lại rác về các nước xuất xứ và chấn chỉnh việc kiểm soát rác thải nhập lậu dưới mũ tái chế.

Lý do trả lại rác thải vì môi trường nhưng tại sao hàng chục năm qua, các quốc gia đang phát triển, những nước nghèo lại trở thành những nơi nhập khẩu rác thải chủ lực trên thế giới? Nguyên nhân bởi ngành công nghiệp rác thải mang lại lợi ích kinh tế. Ví dụ như với Malaysia, nơi đang kiên quyết không nhập khẩu rác, được hưởng lợi tương đối lớn từ số rác thải nhựa mà họ nhập về.

Tại Malaysia, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2018, hàng chục nhà máy tái chế rác đã được xây dựng với công nghệ tái chế thô sơ. Có hại cho môi trường nhưng việc nhập khẩu và tái chế rác thải nhựa mang lại cho kinh tế Malaysia gần 900 triệu USD/năm.

Các nước giàu bán rác thải cho những tập đoàn trung gian. Những tập đoàn này lại đưa rác tới những quốc gia có chi phí tái chế rẻ hơn. Dòng chảy của hàng triệu tấn rác thải mỗi năm là chảy từ các nước phát triển sang những nước đang phát triển.

Tái chế rác thải toàn cầu là một ngành công nghiệp có mang lại lợi nhuận. Nhưng mọi việc bị trật khỏi đường ray khi một số quốc gia lạm dụng công ước Basel, đẩy quá nhiều rác thải về các nước đang phát triển. Trong số đó, có nhiều loại rác không đúng như cam kết thay vì là rác thải nhựa hay kim loại thì có thể là bỉm, tã đã qua sử dụng.

Mặt khác, công nghệ tái chế thô sơ ở những nước nghèo đã gây hại nghiêm trọng tới môi trường. Đây là thời điểm, bài toán kinh tế phải nhường chỗ cho những tính toán liên quan tới môi trường.

Malaysia 'đau đầu' vì 265 container rác thải vô thừa nhận Malaysia "đau đầu" vì 265 container rác thải vô thừa nhận

VTV.vn - Chính quyền đã tổn thất hơn 5 triệu Ringgit (tức khoảng hơn 1,1 triệu USD) trong 6 tháng qua để chứa những container vô thừa nhận này nhưng chưa có hướng giải quyết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước