Việc thành lập các đặc khu kinh tế từ lâu đã là một trào lưu phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.
Puerto Rico
Được thành lập lần đầu tiên tại Puerto Rico năm 1942, mô hình khu kinh tế hiện đại đã nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới.
Từ 9 khu kinh tế vào thập niên 1960, con số này đã tăng 500 lần trong hơn 50 năm, lên 4.500 khu kinh tế tại 140 quốc gia vào năm 2016. Thúc đẩy thương mại toàn cầu, khuyến khích các ngành công nghệ hiện đại, tạo ra 66 triệu việc làm trực tiếp là những đóng góp mà làn sóng đặc khu kinh tế mang lại.
Trung Quốc
Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Trung Quốc.
Thành công lớn nhất về phát triển đặc khu kinh tế phải kể đến Trung Quốc. Với sự mở màn của đặc khu Thâm Quyến từ thập niên 1980, 571 đặc khu với các thế hệ nối tiếp nhau liên tục ra đời và nhanh chóng trở thành bệ đỡ tăng trưởng cho toàn nền kinh tế Trung Quốc.
Đóng góp tới 22% GDP, thu hút 45% tổng vốn FDI và tạo ra hơn 30 triệu việc làm cho nước này. Khu hợp tác Tiền Hải, một đặc khu nằm ngay giữa lòng đặc khu Thâm Quyến là đại diện tiêu biểu nhất của thế hệ mới nhất 3.0, được thiết kế với những chính sách ưu đãi vượt trội nhất từ trước đến nay để trở thành nguồn động lực mới trong bối cảnh sức hút của Thâm Quyến đã tới hạn.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất
Một câu chuyện thành công mang tính đột phá khác cũng xuất hiện giữa lòng sa mạc Trung Đông huyền bí. Là rốn dầu của thế giới nhưng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đang dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên này nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các đặc khu kinh tế.
45 khu kinh tế tự do hiện đóng góp 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này. Dubai, nơi tập trung tới 26 khu kinh tế, hiện đang vươn mình nổi lên thành một thành phố toàn cầu, một trung tâm kinh tế của thế giới.
Singapore
Tại Đông Nam Á, một quốc gia nhỏ bé nhưng là hình mẫu đi đầu và thành công bậc nhất trong xây dựng đặc khu kinh tế là Singapore.
Không tài nguyên thiên nhiên, thậm chí phải nhập khẩu cả nước ngọt, nền kinh tế Singapore vươn lên thành con rồng châu Á chỉ sau nửa thế kỷ phát triển dựa vào động lực từ 9 khu thương mại tự do gắn với phát triển cảng biển.
Các đặc khu này góp phần đưa quốc đảo sư tử thành trung tâm tài chính lớn thứ 3 thế giới với mức thu nhập bình quân đầu người đạt gần 85.000 USD.
Sau hơn nửa thế kỷ phát triển, cơn sốt đặc khu trên toàn thế giới chưa bao giờ hạ nhiệt. Ưu đãi của thế hệ sau cao hơn ưu đãi của thế hệ trước. Tất cả đều nhằm thu hút nguồn lực đầu tư đang ngày càng khan hiếm. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào các đặc khu thế hệ sau của Việt Nam có thể cạnh tranh trong làn sóng đặc khu đang sinh sôi mạnh mẽ hiện nay trên toàn thế giới?
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!