Ngày 18/9, FED quyết định tiếp tục chương trình bơm 85 tỷ USD/tháng vào nền kinh tế Mỹ có tên gọi Chương trình nới lỏng định lượng 3 (QE3). Bên cạnh đó là việc duy trì mức lãi suất siêu thấp, ở mức gần bằng 0.
Quyết định này gây bất ngờ do nó trái ngược hẳn với những gì dự đoán trước đó của giới đầu tư. Bởi đa phần nghĩ rằng, nền kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu cải thiện sau khi FED đã chi 3 đợt nới lỏng tiền tệ khổng lồ từ cuối năm 2008. Và sau tuyên bố của Chủ tịch FED Ben Bernanke hồi tháng 6 vừa qua, sẽ giảm dần chương trình nới lỏng định lượng QE3 bắt đầu từ cuối năm nay cho đến khi dừng hẳn vào cuối năm sau.
Tuy nhiên, quyết định của FED được cho có lý do mà chủ yếu do thị trường việc làm của Mỹ chưa được phục hồi. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức khá cao 7,3%, còn tỷ lệ tham gia lao động hiện rơi xuống mức thấp nhất trong 35 năm qua.
Kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 2,5%, trong khi mức tăng trưởng cần thiết phải từ 3% trở lên. Ngoài ra một lý do nữa được đưa ra là, nền kinh tế Mỹ bị tổn thương do Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ vẫn đang tranh cãi về mức trần nợ công và kế hoạch chi tiêu ngân sách tài khóa 2014 bắt đầu từ 1/10 tới. Điều này có thể dẫn tới việc một số cơ quan Chính phủ liên bang Mỹ sẽ lần đầu tiên phải đóng cửa kể từ năm 1996 do không có ngân sách hoạt động.
Tuy nhiên, việc duy trì nới lỏng tiền tệ của Mỹ đang tạo ra những nguy cơ đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn đã "nghiện" những gói kích thích và không thể tự mình đứng vững.
Những dòng tiền tiếp tục được bơm cũng có thể tạo ra những bất ổn, cũng như nguy cơ dễ tổn thương đối với hệ thống tài chính thế giới, mà cụ thể là nguy cơ khủng hoảng thanh khoản tại những nền kinh tế mới nổi một khi FED ngừng chương trình bơm tiền.
‘ TS Cấn Văn Lực (phải) trong cuộc trao đổi (Ảnh: VTV News)
Trong chương trình Tạp chí kinh tế cuối tuần tuần này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng về những tác động hai mặt của việc Mỹ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Sự ứng phó của các nền kinh tế mới nổi nhằm giảm dần sự lệ thuộc chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương tại châu Âu và Mỹ, cũng như sự thích ứng của các quốc gia đang phát triển trước sự thay đổi chính sách tiền tệ của các nước lớn.
Sau đây là nội dung chi tiết: